Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

Chuyện developer thực tập – một số chia sẻ

26/05/2019

Nếu bạn đang là một sinh viên, hoặc bạn mới chỉ bắt đầu con đường sự nghiệp của mình thì một công việc thực tập có thể là vị trí lý tưởng để bạn bắt đầu tham chiến. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bạn muốn làm việc cho những công ty lớn, bởi rất nhiều công ty lớn chỉ tuyển những developer đã có nhiều năm kinh nghiệm hoặc những thực tập sinh tiềm năng.

Một bước khởi đầu suôn sẻ, chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho sự nghiệp của bạn sau này. Vì vậy, nếu có cơ hội, bạn nên tìm kiếm cho mình những vị trí thực tập chất lượng, chứ không chỉ đơn thuần là một dấu triện đỏ (nhiều trường đại học yêu cầu để sinh viên có thể ra trường).

Cụ thể thực tập là gì?

Có thể bạn đã khá quen thuộc với cụm từ “thực tập”, tuy nhiên, mình vẫn muốn nhắc lại để giúp bạn hiểu chính xác hơn về nó, nhất là khi áp dụng vào ngành lập trình phần mềm.

Vị trí thực tập thông thường là những vị trí tạm thời trong một công ty, dành cho các sinh viên hoặc người mới chưa có kinh nghiệm, vị trí này có thể được trả lương hoặc không.

Có rất nhiều lý do để một công ty muốn bạn tham gia đội ngũ thực tập của họ. Một trong những lý do phổ biến là công ty đó muốn tỏ ra rằng “công ty tụi t chuyên nghiệp, có internship program đàng hoàng”, mục đích cuối cùng của họ chỉ là PR công ty, bạn nên cố gắng tránh những công ty kiểu này. Một số công ty khác lại muốn đón đầu nhân tài, bơm máu cho nguồn nhân lực của họ sau này. Hoặc cũng có những công ty đơn giản là muốn có người làm việc với giá rẻ nhất có thể. Bạn thấy đấy, có rất nhiều lý do để một công ty tuyển dụng bạn vào vị trí thực tập, dẫn đến một số kiểu thực tập thường gặp.

Một số kiểu thực tập thường gặp

Kiểu như thật

Đây rất có thể là trường hợp lý tưởng nhất, bạn được tham gia vào một team trong công ty, làm việc như mọi thành viên khác (có kinh nghiệm) trong team. Với kiểu này, thông thường bạn sẽ được hướng dẫn bởi một thành viên khác có kinh nghiệm hơn trong team để hoàn thành công việc. Trường hợp này thường xảy ra khi bạn join vào các công ty nhỏ với số lượng nhân viên ít.

Kiểu mô phỏng

Đây thường là kiểu thực tập của các công ty lớn, khi tham gia thực tập tại các công ty này, thông thường bạn sẽ được xếp nhóm với những thực tập sinh khác để tạo thành một team. Công việc của mỗi team thực tập sinh thông thường sẽ là tham gia cải tiến, bảo trì những dự án mà công ty hiện tại không có nguồn lực để thực hiện (hoặc chưa cần thiết), mỗi team sẽ được quản lý bởi một nhân viên chính thức trong công ty.

Kiểu giao lưu văn hóa

Kiểu này thường ứng với những công ty “muốn tỏ ra chuyên nghiệp” mà mình đã nêu ở trên, với kiểu này, công việc chính của bạn rất có thể sẽ không liên quan gì đến code, đến ngành nghề cả. Hoặc là bạn sẽ được giao cho làm những việc linh tinh (như chỉnh sửa văn bản chẳng hạn), hoặc có thể là bạn sẽ tham gia team phục vụ coffee để giao lưu văn hóa với các thành viên trong công ty.

Tiền lương thì sao?

Hmm, đây là một câu hỏi hay, nhưng cũng rất khó để trả lời.

Đầu tiên, theo cá nhân mình, bạn nên giữ quan điểm rằng thực tập không phải là để kiếm tiền. Tất nhiên nếu phía công ty phụ cấp cho bạn một khoản nào đấy thì đừng nói “tôi thực tập không phải là để kiếm tiền” nhé. Tuy nhiên, bạn không nên đưa tiền vào để đánh giá chất lượng của một vị trí thực tập, bởi vốn dĩ chúng ta thực tập là để học hỏi, góp nhặt kiến thức, kinh nghiệm chứ không phải để kiếm tiền.

Mình nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng “Nếu một tỷ phú cho phép tôi phụ việc giúp ông ta, tôi sẽ đến và làm việc miễn phí để học tập”, có nghĩa rằng thay vì quan tâm quá nhiều đến tiền, bạn nên quan tâm đến những cơ hội, giá trị mà công việc thực tập đó mang đến cho bạn, quan tâm đến việc bạn sẽ trở thành ai sau khi kết thúc công việc thực tập.

Nói như vậy không có nghĩa rằng bạn không xứng đáng được trả phí cho công sức mà bạn bỏ ra, hầu hết các công ty đều có các khoản phụ cấp cho thực tập sinh, mặc dù thông thường khoản phụ cấp đó là không nhiều. Khi bạn đã đến với mục đích học tập thì tiền ít hay tiền nhiều có quan trọng gì, đúng không?

Trở thành một “Good” thực tập sinh

Chưa ai khen mình là một “good” thực tập sinh cả, nên mình không biết thế nào là good. Tuy nhiên, mình sẽ đưa ra một vài ý kiến cá nhân mà mình cho là sẽ giúp bạn thu được nhiều lợi ích nhất từ công việc thực tập.

Bạn có biết tại sao có rất nhiều công ty không có các vị trí dành cho thực tập sinh không? Theo mình, đó là bởi họ cho rằng nó không xứng đáng với công sức, chi phí mà họ bỏ ra.

Bản thân mình cũng đang là một thực tập sinh (mặc dù mình đã thực tập được khoảng 1 năm rưỡi), mình nhận thấy rằng hầu hết các bạn mới đi thực tập gần như không mang lại bất cứ một giá trị gì cho phía công ty cả. Ngược lại, bên phía công ty sẽ mất thời gian support, trả lời câu hỏi, cầm tay chỉ việc… Thời gian là tiền bạc, chi phí họ bỏ ra để thuê một nhân viên chính thức hoàn thành công việc rất có thể sẽ ít tốn kém hơn việc họ mất thời gian support với những câu hỏi liên tục từ phía các thực tập sinh.

Vì vậy, công việc của bạn dưới tư cách một thực tập sinh là làm sao giúp đỡ được boss của bạn nhiều nhất, nhưng lại cần phải tốn ít thời gian của anh ta nhất có thể. Có nghĩa rằng bạn cần phải biết tự tìm ra cách giải quyết các vấn đề của mình, làm việc độc lập, bạn chỉ nên tìm kiếm sự giúp đỡ khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không giải quyết được vấn đề.

Nhưng chẳng phải chúng ta thường được khuyến khích đặt câu hỏi hay sao? Đúng, việc mình khuyên bạn nên tự xử lý các vấn đề có thể sẽ hạn chế đi môi trường học tập của bạn, tuy nhiên, đó là cách duy nhất để bạn có thể tạo ra giá trị. Trong mọi trường hợp, công việc của chúng ta nên là tạo ra giá trị, giúp công việc của mọi người trở nên dễ dàng hơn, chứ không phải là chạy vòng quanh.

Bạn sẽ học được nhiều thứ giá trị hơn khi quan sát mọi người, giải quyết công việc của bản thân và giúp đỡ người khác hơn là khi bạn được người khác giúp đỡ công việc của mình.

Kết

Còn khá nhiều vấn đề khác liên quan đến thực tập mình muốn chia sẻ, tuy nhiên, bài viết đã khá dài nên mình sẽ dừng ở đây. Thông qua bài viết này, mình muốn giúp các bạn hiểu rỡ hơn về chuyện thực tập, từ đó có những lựa chọn chính xác hơn, giúp sự nghiệp của bạn dễ dàng hơn.

Share this job
TRỞ LẠI BLOG