Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

Vì sao kỹ năng kể chuyện là bí quyết để quản lý thành công?

03/04/2023

Là một trong những công cụ giao tiếp hiệu quả nhất, có thể nói kỹ năng kể chuyện sẽ có lợi trong nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm cả việc quản lý.

Các nhà quản lý giỏi đều biết rằng nếu các nhân viên cùng đồng lòng giúp sức, mỗi người giúp một tay thì công việc sẽ được hoàn tất nhanh chóng và dễ dàng.

Nhưng làm thế nào để tập hợp những “cánh tay” đó ngay từ đầu? Làm thế nào để truyền cảm hứng cho một nhóm các cá nhân khác nhau cùng làm việc, sát cánh bên nhau, hướng tới một mục tiêu chung? Điều đó cần người quản lý có khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục. Kể chuyện cho bạn cơ hội để làm điều này.

“Mỗi nhà lãnh đạo đều cần một câu chuyện hay”. Bạn có thể đã nghe điều này trước đây, nhưng bạn có thực sự nghĩ về lý do tại sao lại như vậy không?

Vì sao kỹ năng kể chuyện lại quan trọng đối với các nhà quản lý?

Những câu chuyện có khả năng kích hoạt cảm xúc rất mạnh mẽ. Nếu không tin, bạn có thể tự kiểm tra. Lần tới khi xem một trận bóng đá (mà bạn không cổ vũ cho một trong hai đội), hãy xem quan điểm của bạn thay đổi ra sao khi bình luận viên nói về tiểu sử của một vận động viên nào đó. Đó có thể là câu chuyện về cách họ vượt qua bệnh tật hoặc mất mát gia đình. Bạn sẽ cảm thấy mình bị cuốn theo, có sự rung cảm và khi trở lại trận đấu 1 phút sau đó, rất có thể bạn sẽ thấy mình muốn người đó và đội đó giành chiến thắng.

Tương tự như vậy, khi kể một câu chuyện có liên quan, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của nhân viên. Không có câu chuyện, thông tin trở nên khô cứng, nhưng với câu chuyện, thông tin sẽ trở nên giàu cảm xúc hơn. Điều này sẽ tác động đến hành vi của họ vì cảm xúc đóng một vai trò to lớn trong việc ra quyết định.”

“Ngoài việc gợi cảm xúc, các câu chuyện còn có rất dễ nhớ. Bạn sẽ nhớ điều gì tốt hơn: một danh sách các sự kiện hoặc một câu chuyện hấp dẫn; một loạt số liệu thống kê hay một câu chuyện thú vị có cùng ý chính?  

Tất cả chúng ta đã ngồi xem các bài thuyết trình hay cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ và nếu một câu chuyện được kể, đó có thể sẽ là điều duy nhất mà chúng ta nhớ.

Nói như vậy không có nghĩa là những câu chuyện quan trọng hơn dữ liệu. Điều tôi muốn nói rằng chúng ta cần cung cấp cho người nghe cả hai. Bởi khi được lồng vào các câu chuyện, dữ liệu có khả năng được ghi nhớ cao hơn gấp 22 lần.

Hơn nữa, những câu chuyện có khả năng làm cho sự phức tạp trở nên đơn giản. Điều này rất hữu ích khi bạn muốn dạy cho nhân viên một điều quan trọng gì đó. Kể một câu chuyện đầy tính ẩn dụ có thể giúp cả kế toán, sales, marketing hay nhân viên kho hiểu rõ hơn về vấn đề là quá tiện lợi rồi”.

Như bạn có thể thấy, kể chuyện có khả năng thu hút, truyền cảm hứng, minh họa rõ ràng, tăng cường giao tiếp, kết nối cảm xúc, thậm chí thuyết phục… – tất cả những khả năng mà các nhà quản lý cần phải có. Tuy nhiên, những câu chuyện được sử dụng cần phải là những câu chuyện hay đáp ứng các tiêu chí nhất định.

“Quản lý hiệu quả được đặc trưng bởi giao tiếp hiệu quả. Những người có kỹ năng kể chuyện là người giao tiếp hiệu quả. Do đó, người quản lý là người có kỹ năng kể chuyện, rất có thể, cũng sẽ là một nhà quản lý hiệu quả.”

Tiêu chuẩn của một câu chuyện hay

Để những câu chuyện đạt hiệu quả như mong muốn, cần có 3 tiêu chí.

Thứ nhất, câu chuyện phải có thật, nếu không, niềm tin giữa quản lý và nhân viên sẽ không được khơi dậy. Câu chuyện chứa nửa sự thật cũng không đủ tốt và những câu chuyện cao siêu lại càng không.

Thứ hai, để truyền cảm hứng hành động, các câu chuyện phải có giọng điệu tích cực, tức là những câu chuyện có kết thúc có hậu. Chỉ có những câu chuyện có kết thúc viên mãn mới tạo cảm giác hạnh phúc, vui vẻ và khích lệ nhân viên hành động theo. Chắc hẳn rằng bạn không muốn dạy xấu nhân viên của mình phải không nào?

Thêm nữa, các câu chuyện cần phải ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Tại sao? Bởi vì, nhân viên vừa nghe bạn và vừa suy nghĩ trong đầu. Thế nên câu chuyện phải tối giản để họ tập trung vào những gì được kể và suy nghĩ của họ không trôi theo những đám mây lang thang ngoài kia”.

Mẹo để trở thành người kể chuyện thu hút

Có câu chuyện hay đã đành, chúng ta cũng cần một chút “duyên” để các câu chuyện phát huy được sức mạnh tối đa. Nói về các kỹ năng kể chuyện để từng bước trở thành người sếp kể chuyện hay: “Nếu bạn không ngại thì chia sẻ câu chuyện của bản thân là cách để thu hút người nghe nhanh nhất. Chia sẻ những thất bại và khó khăn mà bạn đã vượt qua cũng như cách bạn xoay sở để đạt được thành công cuối cùng sẽ tạo ra sự gắn kết và tin tưởng lẫn nhau giữa bạn và nhân viên hơn rất nhiều.

Và câu chuyện đó nên bắt đầu từ phần gay cấn nhất. Tôi sẽ giải thích lí do vì sao.

Nếu bạn kể rằng “Như thường lệ, tôi đi siêu thị mua thịt cá. Sau đó tôi…” thì mọi người sẽ chẳng quan tâm đâu bởi vì không có gì hấp dẫn cả.

Thế nhưng khi bạn nói: “Tôi đánh rơi giỏ xách khiến hộp trứng vỡ tan tành khi nhìn thấy chiếc túi xách của cô gái đang đứng trước mình.

Chắc chắn mọi người sẽ rất muốn biết: Cô gái kia là ai? Túi xách của cô ấy có ý nghĩa gì? Sao bạn phải giật mình đến nỗi đánh rơi đồ? Bạn có đang sợ hãi hay không?… Những thắc mắc này sẽ khiến người nghe nhanh chóng bị cuốn vào câu chuyện của bạn.

Để kịch tính hơn, tạo sao lại không sử dụng một cú “quay xe” đầy bất ngờ? Tình tiết càng bất ngờ, người nghe sẽ càng muốn tham gia vào câu chuyện. Những bất ngờ cũng đáng nhớ hơn nhiều so với mạch chuyện bình bình nhàm chán. Nhưng ở trên đời cái gì nhiều quá cũng không tốt. Một câu chuyện chỉ nên có 1-2 cú “twist” mà thôi, nếu hơn thế người nghe sẽ hoang mang không biết đâu là đâu và câu chuyện của bạn dù “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”. Sẽ chẳng đọng lại gì trong tâm trí họ, có chăng chỉ là một mớ bòng bong rối ren.

Kể chuyện – từng là “nghi thức” mỗi tối trước khi đi ngủ thời thơ ấu – đã phát triển và nhanh chóng trở thành một kỹ năng quản lý cần thiết trong thế giới của người trưởng thành. Con người chúng ta suy nghĩ bằng phép ẩn dụ và học hỏi thông qua các câu chuyện. Vì vậy, lần tới khi bạn chuẩn bị giao tiếp với nhân viên, đối tác hoặc khách hàng, hãy nhớ sử dụng sức mạnh của kỹ năng kể chuyện. Điều đó bắt đầu từ việc lưu lại những điều đáng nhớ nhất xảy ra đối với bạn từ hôm nay.  

Share this job
BACK TO BLOG