Để nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp, ngoài việc đăng tin trên các trang tuyển dụng, mạng xã hội… nhiều doanh nghiệp hiện nay còn “chiêu mộ” ứng viên do nhân viên giới thiệu. Liệu phương thức này có đem lại hiệu quả?
Theo HRI đây là hình thức tuyển dụng tồn tại cả những ưu điểm cũng như khó khăn, hạn chế nhất định như những phân tích bên dưới, điều quan trọng là các bạn cần biết cách vận dụng, kết hợp linh hoạt nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
1. Ưu điểm
So với đăng tin trên website, mạng xã hội… thì hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu có khá nhiều thế mạnh:
Tiết kiệm thời gian: Thay vì phải sàng lọc hàng chục ứng viên ứng tuyển giờ đây bạn chỉ cần đọc, phân tích và đánh giá kinh nghiệm làm việc của một vài ứng viên được giới thiệu, để đánh giá xem họ có thật sự phù hợp với tiêu chí tuyển dụng hay không. Ngoài tiết kiệm thời gian sàng lọc hồ sơ, hình thức này còn giúp rút ngắn quy trình tuyển dụng sơ bộ để tiến hành ngay các buổi phỏng vấn chuyên môn đánh giá năng lực, nhờ đó thời gian tìm được ứng viên phù hợp cũng sẽ nhanh hơn.
Tiết kiệm chi phí: Là hình thức tuyển dụng dựa trên mạng lưới quan hệ của nhân viên nên sẽ không phải tốn các chi phí dịch vụ như các hình thức đăng tin tuyển dụng trên các trang tìm việc.
Dễ dàng tìm được ứng viên phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng cơ bản: Với lợi thế có bạn bè là nhân viên nội bộ nên các ứng viên được giới thiệu đều nắm khá rõ các yêu cầu về công việc, phần lớn họ đều là những ứng viên phù hợp với tiêu chí tuyển dụng cơ bản cần thiết.
2. Nhược điểm
Bên cạnh những điểm mạnh thì hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu cũng tồn tại những khó khăn và nhược điểm:
Khó tìm được ứng viên ưu tú: như đã chia sẻ ở phần trên tuy có thể dễ dàng tìm được ứng viên phù hợp với tiêu chí cơ bản, nhưng hình thức tuyển dụng này lại gây khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên xuất sắc. Bởi nguồn ứng viên của hình thức tuyển dụng này khá hạn chế có thể chỉ là vài người, trong khi đó nếu chọn các hình thức đăng tuyển, sàng lọc có trả phí trên trang website tuyển dụng bạn sẽ được tiếp cận với hàng ngàn ứng viên. Nguồn ứng viên hạn hẹp hơn đồng nghĩa sự lựa chọn của bạn sẽ ít hơn, cơ hội tìm được nhân viên thật sự xuất sắc cũng sẽ thấp hơn.
Có thể làm xuất hiện những điều tiếng không hay trong công tác tuyển dụng: Lựa chọn hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu, nhà tuyển dụng cũng có thể phải đối mặt với những “điều tiếng” không hay như: do thiên vị, do người quen… gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp.
Gây khó khăn cho ứng viên khi nhận việc: những “điều tiếng” không hay như kể trên cũng có thể gây nhiều khó khăn cho ứng viên trong việc hòa nhập với môi trường công việc mới. Ví dụ: sẽ có nhiều nhân viên không phục, cô lập nhân viên mới. Đặc biệt nếu đó là người được tuyển dụng vào để nắm giữ các vị trí quản lý thì họ sẽ khó có thể nhận được sự đồng thuận, phối hợp của các thành viên, gây khó khăn trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả công việc.
3. Lời khuyên
Như đã phân tích ở phần trên, hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu luôn tồn tại song song cả những ưu điểm và hạn chế, vì thế bạn cần linh hoạt kết hợp, vận dụng như những lời khuyên dưới đây để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thứ nhất, bạn chỉ nên sử dụng cách này như một hình thức tuyển dụng bổ trợ, kiểu cấp tốc. Để thu hút được nhiều nhân tài, có nhiều sự lựa chọn bạn cần kết hợp thêm các kênh tuyển dụng khác như: đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín, mạng xã hội… cùng với hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu.
Thứ hai, các chuyên viên nhân sự cần chú ý tuân thủ đúng các quy trình và thủ tục tuyển dụng quan trọng. Ví dụ: Quy định của công ty khi tuyển dụng nhân viên là cần có bài kiểm tra phỏng vấn thì đối với các ứng viên được giới thiệu bạn cũng nên thực hiện đúng quy trình. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính khách quan và sự “tâm phục khẩu phục” cho các nhân viên khác.
Mỗi hình thức tuyển dụng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, do đó các bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng, linh hoạt trong việc vận dụng, kết hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.