Việc giao tiếp trong môi trường công sở luôn không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự tinh tế, thông minh và nhạy bén trong suốt cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, có rất nhiều người gặp khó khăn bởi chỉ một câu nói lỡ lời cùng khiến bạn mất điểm trong mắt sếp, đồng nghiệp, đồng thời có thể đánh mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
“Tôi chán công việc này”
Có thể công việc không như bạn mong muốn và không phát huy hết được khả năng của bạn nhưng cũng đừng dại kể cho bất cứ ai trong công ty. Bởi câu nói đó có thể được sử dụng như một vũ khí để chống lại bạn. Hãy giữ điều đó cho riêng mình và tìm cách để cải thiện công việc. Bạn hoàn toàn có thể đề nghị một nhiệm vụ, vị trí mới hoặc lên kế hoạch cho một công việc mới.
“Đó không phải việc của tôi”
Điều mà sếp và đồng nghiệp không muốn nghe nhất đó là bạn từ chối công việc được giao vì nghĩ đó không phải nhiệm vụ của mình. Như vậy, bạn không chỉ nhận không nhận được sự tín nhiệm của sếp mà còn bị đánh giá là lười biếng, không có tinh thần đồng đội, ngại khó và bất hợp tác. Hãy nhiệt tình nhận lời và thực hiện, ngay cả khi đó không phải là công việc hằng ngày của bạn. Biết đâu bạn sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân và thu hoạch thêm một đồng nghiệp về phe mình thì sao? Đáng để thử đó chứ.
“Em biết rồi, anh/chị không cần chỉ bảo”
Ngay cả khi bạn đã thuộc nằm lòng cách làm một công việc nào đó thì khi được căn dặn, bạn hãy chú ý lắng nghe và làm theo sự chỉ dẫn. Bởi điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với người nói và còn giúp bạn hoàn thành tốt công việc được giao. Bởi mỗi công việc, mỗi người đều có những yêu cầu khác nhau. Vậy nên hãy dành thời gian để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhận xét của người khác. Bạn sẽ được đánh giá là người có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi.
“Đó không phải lỗi của tôi, đó là lỗi của ABC”
Trốn tránh trách nhiệm là một trong những yếu tố khiến bạn mất điểm với sếp và đồng nghiệp. Bạn nên nhớ rằng việc đổ lỗi cho ai đó không làm cho bạn trở nên tốt hơn, mà trong con mắt của người lãnh đạo, bạn là người vô trách nhiệm và không đáng tin cậy. Nếu bạn phạm phải một sai lầm, hãy dũng cảm chấp nhận thay vì đổ lỗi cho người khác. Bạn có thể học hỏi được nhiều điều từ những sai lầm thay vì đổ vấy tất cả tội lỗi cho đồng nghiệp và phủi tay. Sếp luôn thích những người trung thực và có tinh thần trách nhiệm mà.
“Hồi ở công ty cũ, tôi làm thế này này…”
Chẳng ai thích so sánh cách làm của công ty mình với một công ty khác, ngay cả khi cách làm mới hiệu quả và thành công hơn. Những lúc như vậy, bạn nên khéo léo đề xuất cách làm của mình và đừng quên khen ngợi cách làm của công ty hiện tại. Ví dụ như “Tôi thấy cách làm của công ty mình rất hay và có khả năng thành công. Những anh chị có thể cân nhắc cách làm khác này không? Một thái độ tôn trọng và cầu thị sẽ nhận được sự tin tưởng và thái độ lắng nghe chân thành.
“Bây giờ đã hết giờ làm việc rồi”
Bạn sẽ làm gì nếu hết giờ làm việc mà sếp lại giao cho bạn một công việc và đề nghị bạn hoàn thành đúng thời hạn? Nếu bạn đáp lại sếp bằng câu nói trên thì chắc chắn bạn sẽ bị đánh giá là người vô trách nhiệm và nằm ngay đầu danh sách đen của sếp. Vẫn biết ngoài thời gian làm việc thì không ai có quyền bắt bạn phải làm việc không công nhưng cũng không có nghĩa là bạn có quyền từ chối công việc được giao bằng câu nói “phũ phàng” như vậy. Trong trường hợp này, bạn nên đánh giá mức độ quan trọng của công việc. Nếu công việc thực sự quan trọng thì bạn nên cố gắng hoàn thành trước khi về.
“Tôi sẽ rời công ty này ngay lập tức”
Để tồn tại và thăng tiến trong môi trường công sở, bạn đừng nên giữ suy nghĩ mình là số một và duy nhất. Có rất nhiều người tài giỏi nghĩ rằng “thiếu mình thì công ty đi xuống”, vì vậy mà họ thường dọa nghỉ việc nếu không được đáp ứng các yêu cầu. Bạn nên nhớ rằng, bạn tài giỏi nhưng vẫn có rất nhiều người có năng lực hơn bạn. Không ai là không có khả năng bị thay thế, vậy nên nếu tiếp tục sử dụng lời đe dọa nghỉ việc thì chẳng mấy chốc sếp sẽ thành toàn điều đó cho bạn.
“Tôi không thể làm được việc này”
Sự thật là có nhiều công việc mà bạn không thể hoàn thành bởi nhiều nguyên nhân như trái chuyên ngành, do năng lực bản thân hạn chế. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn thừa nhận việc “bất khả thi” khi sếp vừa giao việc. Khi nói rằng “tôi không thể”, điều đó sẽ thể hiện bạn đang từ bỏ mọi cách để hoàn thành công việc. Do đó kể cả khi kế hoạch “không tưởng” cũng phải cố gắng hoàn thành và tìm sự trợ giúp nếu có thể.