Nghệ thuật kể chuyện trong quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân viên đồng ý và cải thiện sự gắn kết của họ với doanh nghiệp. Đó là một kỹ năng học được có thể thay đổi suy nghĩ của nhân viên bằng cách loại bỏ tính cố chấp và đưa ra những ý tưởng mới, đồng thời cho phép các nhà quản lý truyền đạt tầm nhìn của họ để hướng dẫn nhân viên đi đúng hướng.
Kể chuyện đã có từ hàng ngàn năm trước. Từ những bức tranh hang động cổ đại cho đến loạt web mới nhất, những câu chuyện luôn mê hoặc nhân loại. Các câu chuyện đã và luôn là một phương tiện hiệu quả cao để chuyển tải thông điệp. Có thể thấy khi sự cố xảy ra, các phương tiện truyền thông không chỉ cho biết có bao nhiêu tổn thất mà họ còn tìm kiếm các câu chuyện của người trong cuộc. Họ có thể kể cho chúng ta nghe về một thanh niên đã nhảy khỏi chiếc thuyền của mình để cứu một đứa trẻ không biết bơi trong tiếng gào thét kêu cứu của mọi người xung quanh.
Nhưng kể chuyện không chỉ là để giật tít thu hút sự chú ý.
“Nghệ thuật kể chuyện giúp khả năng quản lý ngày càng hoàn thiện hơn. Đó là lí do tại sao họ lý luôn kể các câu chuyện để truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho nhân viên.”
Nghệ thuật kể chuyện trong quản lý
Bạn đã từng nghe qua cái tên Howard Schultz, Giám đốc điều hành của Starbucks? Howard thường xuyên nhắc lại câu chuyện về nguồn gốc từ nghèo khó trở nên giàu có của chính mình. Cha mẹ ông liên tục rơi vào tình cảnh thất nghiệp nhưng ông lại trở thành Giám đốc điều hành của chuỗi quán cà phê thành công nhất thế giới. Nhìn thấy cha mình bị thương và không thể làm việc đã thôi thúc ông thành lập một công ty có chế độ chăm sóc người lao động tuyệt vời và cung cấp cho họ những lợi ích như bảo hiểm hay thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Ông thường sử dụng câu chuyện này như một cách mở đầu để mô tả lịch sử và sứ mệnh của Starbucks cũng như để giải thích nhiều quyết định mà ông đưa ra liên quan đến công ty. Bằng cách này, Howard đã làm cho sứ mệnh của công ty trở nên dễ hiểu và ông đã mô tả các quyết định chiến lược của mình theo cách mà bất kỳ ai đang lắng nghe cũng nắm bắt được.
Sức mạnh của những câu chuyện kể
Về mặt khoa học, khi nghe các câu chuyện não của chúng ta sẽ sản sinh ra cortisol khiến chúng ta tập trung chú ý hơn. (Đó chẳng phải là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn nhất mỗi khi tương tác với mọi người hay sao?). Mặt khác, những câu chuyện gần gũi có thể thúc đẩy cơ thể tạo ra oxytocin. Càng nhiều oxytocin, người ta càng cảm thấy đồng cảm với nhau hơn.
Chưa nói đến việc, mọi người có khả năng nhớ những câu chuyện lâu hơn. Hầu hết mọi người quên hơn 40% thông tin chúng ta nói với họ vào ngày hôm sau và quên 90% sau một tuần. Tuy nhiên, họ có khả năng ghi nhớ các sự kiện cao hơn gấp 20 lần nếu chúng được lồng vào các câu chuyện.
Nhưng quan trọng nhất, các câu chuyện thường dẫn đến hành động. Diễn giả Alan Weiss từng nói, “Logic khiến người ta phải suy nghĩ và cảm xúc khiến họ hành động”. Nếu chúng ta muốn nhắc nhân viên làm điều gì đó thì logic thôi chưa đủ. Chúng ta cần cảm xúc để khiến họ rời khỏi ghế và đứng dậy để hành động.
Một trải nghiệm gần đây của tôi về sức mạnh của những câu chuyện xảy ra tại một buổi hội thảo với các nhà quản lý. Chúng tôi đã có cơ hội phân tích các nghiên cứu điển hình và các tình huống thực tế. Trong buổi gặp đó, có một số bạn đã chia sẻ trải nghiệm của họ. Mặc dù các số liệu thống kê đều rất ấn tượng nhưng rất khác khi nghe câu chuyện thực được mọi người chia sẻ. Đó là một trải nghiệm rất trực quan, thấm sâu vào ruột gan mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.
Bước vào vai trò quản lý, hãy sẵn sàng học hỏi nghệ thuật kể chuyện
Giống như khả năng lãnh đạo, kể chuyện không phải là một năng khiếu bí ẩn bẩm sinh. Thay vào đó, nó là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Khi đề cập đến việc thành thạo nghệ thuật kể chuyện ở vai trò nhà quản lý, tôi đã khám phá ra bốn bí mật.
Để tạo ra những câu chuyện thu hút sự chú ý của người nghe và nhận được sự ủng hộ của họ, không thể không bắt đầu từ việc hiểu người nghe. Biết họ quan tâm đến điều gì sẽ giúp chúng ta lựa chọn câu chuyện phù hợp và khiến họ sẵn sàng lắng nghe hơn. Nếu không biết điều gì là quan trọng đối với họ, không có cách nào khác là phải hỏi mà thôi.
Điều tiếp theo, muốn kể chuyện thì chúng ta cần có chuyện để kể. Tất nhiên, chúng ta không cần phải đi khắp thế giới và thu thập những câu chuyện khó tin để chia sẻ. Khi gặp những người mới, chúng ta có thể làm quen với họ bằng cách để họ chia sẻ một hoặc hai câu chuyện đầy cảm hứng. Chúng ta cũng có thể đọc từ sách vở hoặc internet để làm phong phú thêm kho tàng các câu chuyện. Đọc về câu chuyện của các nhà quản lý khác cũng sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta và nhận về các thông tin thú vị để chia sẻ lại cho các thành viên khác.
Sẽ là điều rất tuyệt vời nếu đó là những câu chuyện có thật. Một câu chuyện về việc nhân vật chính đã phạm sai lầm và sau đó học hỏi từ chính sai lầm đó sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với một câu chuyện trong đó nhân vật chính vượt qua các vấn đề không mấy khó khăn. Nếu đang kể câu chuyện có thật của chính mình, chúng ta có thể tiết lộ một chút điểm yếu của bản thân để tăng sự tin tưởng vào những gì được nói và khiến người nghe đồng cảm với chúng ta hơn. Đừng ngại nói về những điều không tốt vì ngay cả siêu nhân cũng có Kryptonite của mình mà!
Bí mật thứ ba trong nghệ thuật kể chuyện chính là thu hút người nghe bằng tất cả các giác quan. Khi người nghe thấy được những gì chúng ta thấy và cảm nhận những gì chúng ta cảm nhận thông qua những từ ngữ được sử dụng trong câu chuyện, chúng ta sẽ có được sự đồng cảm và sự ủng hộ của họ. Một cách để khiến họ có phản ứng đó là sử dụng ngôn ngữ hình tượng như so sánh và ẩn dụ, thay đổi giọng điệu cho phù hợp với nhân vật trong câu chuyện và khi nhớ lại kỉ niệm nào đó, hãy mô tả cảm giác của bạn. Lúc đó bạn có lo lắng sốt vó, tay chân run lẩy bẩy hay tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực không? Hãy làm cho người nghe cảm thấy như họ đang ở ngay cạnh bạn vậy.
Câu chuyện nào cũng cần có cái kết và khi kể chuyện cho nhân viên, đối tác, nhà đầu tư chúng ta cần kết thúc bằng một lưu ý tích cực. Mục đích của kể chuyện là kêu gọi người nghe hành động theo hướng mà chúng ta đang cố gắng thuyết phục họ đi và để đạt được mục đích đó thì không thể thiếu một tia lửa truyền cảm hứng. Kết thúc câu chuyện bằng các trích dẫn tạo động lực hoặc giải pháp đáng khích lệ sẽ truyền lửa đến với người nghe và làm cho câu chuyện trở nên đáng nhớ hơn.
Nếu ai đó nói rằng để thành thạo nghệ thuật kể chuyện cần rất nhiều nỗ lực thì… đúng là như vậy đấy. Nhưng nó rất đáng giá. Là một nhà quản lý, bạn sử dụng những câu chuyện như thế nào để kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn và đạt được tầm nhìn của mình?