Hãy tưởng tượng vào tháng 11/2020, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc bỏ phiếu sớm đang được tiến hành ở một số tiểu bang, bất ngờ có một video lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong video, một ứng viên đã tiết lộ rằng mình bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
“Bệnh của tôi quá nặng để có thể lãnh đạo. Xin đừng bỏ phiếu cho tôi”, ứng viên cho biết trong video.
Video nhanh chóng được phát hiện chỉ là sản phẩm lừa bịp từ một công nghệ có tên Deepfake.
Video là giả, nhưng hiệu ứng mà nó mang lại thì không giả chút nào. Nó có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ứng viên “xấu số” này.
Deepfake là gì?
“Hãy thử tưởng tượng điều này trong một giây: Một người có thể có toàn quyền kiểm soát hàng tỷ dữ liệu bị đánh cắp của tất cả mọi người. Tất cả bí mật, cuộc sống của họ, tương lai của họ. Tôi nợ điều đó nhờ Spectre. Spectre cho tôi thấy rằng bất cứ ai kiểm soát dữ liệu, có thể kiểm soát tương lai”, Mark Zuckerberg nói trong một video được đăng trên Instagram từ tài khoản @bill_postftimeuk.
Cả thế giới choáng váng vì những phát biểu này. Tất cả đều không dám nghĩ, Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook với nhiều tỷ người dùng lại có thể dám phát ngôn ra những nội dung trên.
Rất nhanh sau đó, người ta phát hiện ra rằng đây chỉ Mark Zuckerberg giả mạo được tạo ra bởi công nghệ Deepfake. Và video chỉ là sản phẩm quảng cáo của một triển lãm có tên “Spectre”, nằm trong lễ hội liên hoan phim tài liệu Sheffield Doc Fest ở Anh.
Deepfake là một khái niệm không còn quá mới mẻ. Nhưng khi mà “ông trùm” mạng xã hội Mark Zuckerberg trở thành nạn nhân của công nghệ này, người ta mới giật mình tự hỏi Deepfake là gì?
Vào tháng 12/2017, công nghệ này được biết đến rộng rãi khi một người dùng trên Reddit có tên “Deepfakes” đã phát hành một công cụ dùng trí thông minh nhân tạo (AI) để hoán đổi gương mặt của người nổi tiếng vào trong các bộ phim khiêu dâm. Scarlett Johansson và Gal Gadot đã trở thành những diễn viên “bất đắc dĩ” của các bộ phim này.
Nói nôm na, Deepfake cho phép gán khuôn mặt của một người này sang cho một người khác trong video với độ chính xác cao. Deepfake được xây dựng dựa trên nền tảng Machine learning mã nguồn mở của Google. Nó quét video và ảnh chân dung của một người, hợp nhất nó với video riêng biệt nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và thay thế chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng…
Và nếu bạn còn chưa hiểu Deepfake hoạt động thế nào, thì hãy xem đoạn video ở dưới. Video này mới được đăng tải trên trên kênh YouTube của tài khoản Eating Things With Famous People. Trong đoạn video, nhân vật Jon Snow do diễn viên Kit Harington đóng đã xin lỗi vì phần 8 Game of Thrones có cái kết dở ẹc làm mất thời gian của khán giả. Hay xin lỗi về sự xuất hiện “bất lịch sự” của cốc cà phê Starbucks.
Tất nhiên video là giả mạo, nhưng hãy đừng ngạc nhiên nếu có rất nhiều người tin nó là thật nếu chỉ xem lướt qua bởi sự chân thật mà Deepfake mang lại trong từng hình ảnh.
Deepfake có thể làm nàng Mona Lisa “sống dậy”!
Khi mà các phương truyền thông xã hội vẫn còn đang loay hoay trong cuộc chiến chông tin tức giả mạo. Deepfake đã đặt cuộc chiến này lên một lấc thang mới về sự thách thức của nó.
Mới xuất hiện hơn một năm thôi, nhưng Deepfake hiện nay đã có thể tạo ra những video giả mạo với độ chính xác khó tin.
Theo HuffPost, các công ty như Modulate.ai có trụ sở tại Cambridge có thể tạo ra giọng nói của một ai đó với chỉ một vài phút ghi âm.
Trong một báo cáo gần đây được phát đi từ Trung tâm AI Samsung ở Moscow (Nga), các nhà nghiên cứu tại đây cho biết có thể tạo ra những hình ảnh Deepfake có độ chính xác cao trên nền tảng của một bộ dữ liệu hình ảnh tương đối nhỏ. Thậm chí có thể thực hiện chỉ bằng một hình ảnh duy nhất.
“Ngay cả “Mona Lisa” cũng có thể được tạo ra trông giống như nàng ấy sống dậy”, báo cáo cho biết.
Đáng lo ngại hơn, HuffPost cho biết hiện không cần những chuyên gia được trang bị kiến thức về AI hay máy học, những người bình thường với đôi chút kỹ năng về chỉnh sửa video, thông qua các ứng dụng trực tuyến miễn phí về Deepfake cũng có thể tạo ra những tác phẩm đơn giản. Và khi mà các công cụ được cải thiện theo thời gian, những video Deepfake được tạo ra sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn.
Sự phát triển của Deepfake giống như một cuộc chạy đua vũ trang – Edward Delp
Edward Delp, Giám đốc Phòng thí nghiệm xử lý hình ảnh và video tại Đại học Purdue cho biết, sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc có thể tạo ra các video Deepfake như hiện nay là đáng báo động.
“Thực sự rất đáng sợ. Nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang vậy”, ông Edward Delp nhấn mạnh về sự phát triển của công nghệ Deepfake.
Có điều gì không ổn với Nancy Pelosi?
Nếu ai đó vẫn còn đang hoài nghi về sự nguy hại mà Deepfake thì hãy hỏi Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Rudy Giuliani đã chia sẻ một video trên mạng xã hội về Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trong chia sẻ của mình, Rudy Giuliani có viết “Nancy Pelosi bị gì vậy? Bài phát biểu của bà có vẻ lạ lùng”. Luật sư riêng của ông Trump có lý khi viết những điều này khi mà trong video Chủ tịch phát biểu chậm chạp với dáng vẻ như “say rượu”.
Song cuối cùng Rudy Giuliani đã phát hiện ra điều mình làm là “dại dột” bởi video đã được chỉnh sửa. Tại đây, tốc độ phát biểu của bà Nancy Pelosi dường như được chỉnh chậm lại để khiến cho bà có cảm giác không khỏe khi phát biểu. Rudy Giuliani đã phải xóa tweet của mình và gửi lời xin lỗi.
Không chỉ tại Mỹ, Deepfake đã và đang phủ bóng đen tại khắp nơi trên thế giới.
Năm ngoái tại Trung Phi, một video giả mạo sức khỏe của Tổng thống Gabon, Ali Bongo được xem là ngòi nổ cho một cuộc đảo chính quân sự không thành tại quốc gia này.
Tại Malaysia, video của một người đàn ông thú nhận đã quan hệ đồng giới với một quan chức cao cấp trong chính phủ đang làm dậy sóng dự luận nước này. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cơ thể người đàn ông trong video được cho là không giống như ngoài đời.
Các chính trị gia không phải là nạn nhân của duy nhất của Deepfake. Nữ diễn viên Scarlett Johansson là người thấu hiểu nhất điều này. Với vẻ đẹp quyến rũ, nữ diễn viên được trả lương cao nhất Hollywood năm 2018 là nạn nhân thường xuyên của Deepfake, khi hàng loạt video khiêu dâm được chèn mặt Scarlett Johansson xuất hiện nhan nhản với hàng triệu lượt xem.
Nói về cuộc chiến chống lại Deepfake, Scarlett Johansson cho biết cố gắng xóa bỏ toàn bộ video người lớn giả mạo là điều không thể.
“Không gì có thể ngăn kẻ xấu cắt dán hình ảnh của tôi hay bất kỳ ai khác vào cơ thể của một người nào đó. Thực tế chứng minh rằng việc cố gắng bảo vệ bản thân khỏi Internet và sự đồi trụy trên đó là không thể. Internet là một lỗ đen khổng lồ đang tự nuốt chửng chính nó”, Scarlett Johansson cho biết trên Washington Post.
Trong bài viết với tiêu đề “Mọi người đều có thể trở thành mục tiêu tiềm năng”, Washington Post nhấn mạnh ai trong số bất cứ chúng ta đều có thể trở thành mục tiêu của Deepfake.
Tờ báo này đã đưa ra trường hợp về một phụ nữ tá hỏa khi phát hiện mình xuất hiện trong một video khiêu dâm. Theo điều tra, video này được tạo ra trên nền tảng 491 bức ảnh trên Facebook của chính người phụ nữ này.
Đáng sợ hơn, video này được tạo ra khi kẻ xấu thuê người làm ra chúng trên một diễn đàn với giá chỉ có 20 USD.
Phải hành động trước khi quá muộn!
Ngày 13/6 vừa qua, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ về Deepfake, đại diện của đảng Dân chủ Adam Schiff đã cảnh báo rằng công nghệ này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.
“Hiện tại đã đến lúc các công ty truyền thông xã hội cần phải đưa ra các chính sách bảo vệ người dùng khỏi những thông tin sai lệch có xuất phát từ Deepfake. Cần phải hành động sớm, nếu không sẽ quá muộn”, ông Adam Schiff nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Adam Schiff, trước đó chuyên gia Hany Farid cũng khẳng định rằng các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát những video giả mạo bởi họ là tác nhân khuếch đại thông tin sai lệch.
Song nếu nhìn trên thực tế, cuộc chiến chống lại các video giả mạo vẫn còn là một chặng đường dài.
Hãy nhìn xem các nền tảng mạng xã hội đã làm gì với các video giả mạo.
Theo Huffpost, với video giả mạo liên quan đến bà Nancy Pelosi, YouTube cho biết sẽ xóa những video này, nhưng nhiều ngày sau đó vẫn còn hàng loạt các bản sao vẫn đang được lưu hành.
Trong khi đó theo CNN, Twitter từ chối xóa hoặc thậm chí không bình luận về video này. Tương tự, Facebook cũng từ chối xóa video, ngay cả khi có phản hồi chính thức về sự giả mạo.
“Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng đối với mọi người là tự mình đưa ra lựa chọn sáng suốt về những gì nên tin”, Monika Bickert – Trưởng phòng Quản lý Chính sách Toàn cầu tại Facebook cho biết với người dẫn chương trình Anderson Cooper của CNN về video giả mạo.
Đáp lại Anderson Cooper đặt ra câu hỏi, Facebook có xóa những video giả mạo liên quan đến Tổng thống Trump, bà Monika Bickert không trực tiếp đi vào vấn đề mà chỉ trả lời rằng: “Facebook không kinh doanh trong lĩnh vực tin tức, mà kinh doanh trên mạng xã hội”.
Vào năm ngoái, Pornhub đã tham gia cùng nhiều đối tác như Reddit và Twitter trong việc ngăn chặn các video Deepfake khiêu dâm, nhưng cho đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả thực sự.
Ban đầu, Deepfake chỉ đơn giản là trò đùa vui nhộn trên mạng Internet với hàng loạt ảnh chế, ghép gương mặt Nicolas Cage vào nữ nhà báo Luis Lane trong phim Superman. Nhưng nay, nó đã trở thành một hiểm họa lớn giúp cho những đối tượng thực hiện các ý đồ xấu xa của mình.
Trong Narcos, bộ phim nói về trùm ma túy Pablo Escobar, đặc vụ Murphy nói rằng điều anh học được ở Colombia là ranh giới giữa cái xấu và cái tốt vô cùng mong manh. Với Deepfake cũng vậy.
Trước khi các cơ quan lập pháp, công ty công nghệ hay nền tảng mạng xã hội tìm ra cách để ngăn chặn Deepfake, hãy ước cho mình không trở thành nạn nhân của công nghệ này bởi một kẻ xấu xa nào đó.