Trí thông minh cảm xúc (còn được gọi là chỉ số cảm xúc hay EQ) là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của chính bạn theo cách tích cực để giảm căng thẳng, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác, vượt qua thử thách và xoa dịu xung đột. Trí tuệ cảm xúc giúp ứng viên xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn, thành công trong công việc và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp lẫn cá nhân. Nó cũng có thể giúp họ kết nối với cảm xúc, biến ý định thành hành động và đưa ra quyết định sáng suốt về những gì quan trọng nhất với họ.
Thật dễ dàng để nhận ra một ứng viên tốt thông qua kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn của họ. Tuy nhiên, để tìm một ứng viên tuyệt vời, đó là một câu chuyện khác. Tìm kiếm các tài năng hàng đầu phức tạp hơn so với việc tìm hiểu thông qua CV, bởi vì những nhân viên giỏi nhất không chỉ có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết mà còn có cả các kỹ năng cảm xúc. Nhưng làm thế nào để bạn có thể nhận ra các ứng viên có trí thông minh cảm xúc? Dưới đây là các gợi ý mà bạn nên tham khảo.
Quan sát cách ứng viên tương tác bên ngoài cuộc phỏng vấn
Tham khảo ý kiến của nhân viên lễ tân, người vận hành thang máy hoặc thậm chí là bảo vệ sẽ giúp bạn đánh giá trí thông minh cảm xúc của ứng viên. Ứng viên có tử tế, thân thiện hay tỏ ra kiêu ngạo, thô lỗ? Nếu họ có thể trò chuyện một cách tôn trọng với mọi người trong văn phòng, bất kể người đó đảm nhận vị trí gì thì đây là một dấu hiệu tốt về trí tuệ cảm xúc.
Liên quan đến việc xem cách ứng viên tương tác bên ngoài cuộc phỏng vấn, một số nhà tuyển dụng thường mời ứng viên đến trao đổi tại quán cà phê và cố tình nhờ nhân viên quán làm sai thực đơn của họ. Cho dù ứng viên thể hiện sự tức giận hay thông cảm với người phục vụ thì cũng cho nhà tuyển dụng có cơ hội đánh giá chính xác về kỹ năng cảm xúc.
Hỏi về những thất bại
Thay vì chỉ đào sâu những điểm mạnh của ứng viên, hãy hỏi về những thất bại của họ. Một người có trí thông minh cảm xúc cao sẽ nói về những sai lầm và thiếu sót trong quá khứ đồng thời chia sẻ về cách họ phát hiện ra giải pháp hoặc có được một quan điểm mới thông qua các tình huống đó. Mặc dù câu trả lời rất quan trọng nhưng bạn cũng nên chú ý đến phản ứng cảm xúc của họ. Nếu họ tự tin nói về những thử thách trong sự nghiệp, họ có thể rất thông minh về mặt cảm xúc.
Yêu cầu ứng viên xử lý các tình huống thực tế
Một cách hiệu quả khác để đánh giá trí thông minh cảm xúc của ứng viên là yêu cầu họ xử lý các tình huống mà nhân viên ở vị trí ứng tuyển thường xuyên gặp phải. Chẳng hạn, bạn có thể đóng vai người quản lý hoặc khách hàng đưa ra những lời phê bình tiêu cực và quan sát cách họ trả lời. Với các tình huống cụ thể này, mực độ cảm xúc của ứng viên sẽ chân thật hơn nhiều.
Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Bạn cần quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên trong cuộc phỏng vấn để có đánh giá chính xác về trí thông minh cảm xúc của họ. Các dấu hiệu phi ngôn ngữ cũng sẽ cho bạn thêm nhiều thông tin về cách ứng viên cảm thấy như thế nào hoặc sẽ phản ứng ra sao trong những tình huống nhất định.
Ứng viên có nhìn thẳng vào mắt bạn khi trả lời câu hỏi không? Họ có gật đầu đồng ý khi bạn nói chuyện không? Họ có thể hiện tâm thế phòng thủ hoặc không thoải mái như khoanh tay khi trả lời các câu hỏi khó? Họ có vẻ không chuẩn bị hoặc ngạc nhiên trước một câu hỏi hoặc họ cảm thấy khó khăn khi đưa ra câu trả lời? Họ có lặp lại những điều bạn đã nói để đảm bảo họ hoàn toàn hiểu câu chuyện hay không?
Sự xuất hiện cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái không phải là yếu tố phá vỡ cuộc trò chuyện. Nó đơn giản chỉ là cách mà ứng viên cảm thấy và là một trong những điều bạn nên cân nhắc khi đánh giá. Tuy nhiên, có một dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể có thể làm hỏng cuộc phỏng vấn, đó là ứng viên nhìn vào điện thoại của họ. Nếu ứng viên quên bật chế độ im lặng thì họ nên tắt nó ngay lập tức kèm theo một lời xin lỗi. Ngược lại, nếu họ tiếp tục xem tin nhắn hoặc nghe cuộc gọi trong khi đang phỏng vấn, thì đó là hình thức của sự thiếu tôn trọng và là dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thấp.
Hỏi người tham khảo
Các đồng nghiệp hoặc sếp cũ có thể giúp bạn hiểu thêm nhiều điều về ứng viên. Họ có thể trả lời các câu hỏi phổ biến như hiệu suất làm việc hay điểm yếu, điểm mạnh của ứng viên, đặc biệt là cách ứng viên quản lý bản thân và ứng xử với người khác.
Hãy thử hỏi các câu hỏi sau:
· Ứng viên xử lý thế nào khi họ phạm phải một sai lầm?
· Ứng viên đã hòa hợp với các nhân viên khác như thế nào (theo thang điểm từ 1 đến 10)? Vì sao bạn nghĩ như vậy?
· Điều gì là động lực thúc đẩy ứng viên?
Bằng cách hỏi những câu hỏi này, bạn có thể hiểu rõ hơn về ý thức trách nhiệm của ứng viên, khả năng giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên, cũng như động lực cá nhân của họ. Nó sẽ cho bạn ý tưởng về cách ứng viên tiềm năng sẽ hành xử trong tương lai.
Khi nói đến việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, trí thông minh cảm xúc nên được xếp hạng cao trong danh sách những gì bạn cần tìm kiếm ở ứng viên. Việc mang lại những cá nhân có trí tuệ cảm xúc cao sẽ nâng cao năng suất của tập thể và giúp xây dựng nét văn hóa tích cực cho công ty. Mức độ trí tuệ cảm xúc của ứng viên có thể được khám phá theo nhiều cách khác nhau. Ngoài những chia sẻ trên đây, bạn đã đánh giá trí tuệ cảm xúc của ứng viên theo cách nào khác? Hãy chia sẻ cùng HRI nhé.