Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

Bí quyết giới thiệu bản thân khi phỏng vấn “hạ gục” nhà tuyển dụng

20/07/2020

https://www.youtube.com/watch?v=E_ZJXUjAzxU

“Bạn hãy giới thiệu về bản thân” – Một câu hỏi tưởng chừng nhưng đơn giản nhưng chưa bao giờ là dễ trả lời vì không có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả mọi người. Làm thế nào để giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là một bài toán khó đối với không ít ứng viên. Bài viết dưới đây sẽ là lời giải tham khảo cho bài toán này.

1. Tầm quan trọng của việc giới thiệu bản thân khi phỏng vấn

Giới thiệu bản thân là bước đầu tiên khi thuyết phục nhà tuyển dụng. Việc giới thiệu bản thân giúp ứng viên tạo ấn tượng ban đầu, đặt viên gạch đầu tiên trong nghệ thuật giao tiếp với nhà tuyển dụng. Ấn tượng ban đầu này chỉ được hình thành trong khoảng 30 giây đầu tiên kể từ khi gặp mặt và sẽ kéo dài mãi sau này.

Hơn nữa, trong một buổi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường phải tiếp xúc với rất nhiều ứng viên trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, giới thiệu ấn tượng về bản thân sẽ là một cách thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, từ đó, góp phần gia tăng cơ hội trúng tuyển cho bạn.

2. Cần nói gì khi giới thiệu bản thân?

Giới thiệu bản thân đóng vai trò rất quan trọng trong một buổi phỏng vấn thành công. Vậy cần nói gì khi giới thiệu về mình? Liệu có một bài mẫu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn dành cho tất cả mọi ứng viên hay không? Câu trả lời là không. Tuy nhiên, chúng ta có một số nội dung cố định cần đảm bảo khi giới thiệu bản thân.

– Trước khi đi vào giới thiệu bản thân, đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng đã trao cho bạn cơ hội được tham gia vào buổi phỏng vấn. Điều này giúp tạo ấn tượng về một người lịch sự, nhã nhặn, góp phần tạo thiện cảm, bầu không khí thoải mái cho buổi phỏng vấn. Đây sẽ là điểm cộng cho kỹ năng thuyết phục nhà tuyển dụng của bạn.

– Sau đó ứng viên sẽ giới thiệu các thông tin cá nhân cơ bản như họ và tên, năm sinh. Những thông tin này rất cần thiết để nhà tuyển dụng xác định đúng đối tượng ứng viên mình đang giao tiếp và thuận tiện cho việc xưng hô. Những thông tin tiếp theo cần đề cập là trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, hoạt động, giải thưởng (nếu có) mà bạn đã tích lũy trong thời gian qua. Khi giới thiệu đến đây, có thể xảy ra các trường hợp sau.

  • Thứ nhất, ứng viên còn quá ít hoặc không có kinh nghiệm, bạn sẽ cảm thấy không có gì để nói. Trong trường hợp này, ứng viên hãy thẳng thắn bày tỏ sự thiếu sót về kinh nghiệm của mình, tránh lừa dối nhà tuyển dụng vì bạn sẽ rất dễ bị “lật tẩy”. Hãy bày tỏ mong muốn được học hỏi, những tiềm năng mà nếu được đào tạo, phát triển sẽ tạo ra giá trị về lâu dài.
Hãy bình tĩnh ngay cả khi bạn thiếu kinh nghiệm

  • Trường hợp thứ hai, ứng viên rất dồi dào kinh nghiệm, tham gia nhiều hoạt động và đạt nhiều giải thưởng. Khi này, kĩ năng cần có là “gạn đục khơi trong”, chỉ nói những kinh nghiệm, thành tựu nổi bật và quan trọng là có liên quan tới vị trí ứng tuyển. Kể lể quá nhiều sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn đang “tâng bốc” bản thân quá đà.

– Bên cạnh những thông tin cá nhân và thông tin về kinh nghiệm, ứng viên còn có thể đưa ra những điểm mạnh, điểm yếu, những mong muốn, định hướng khi ứng tuyển vào vị trí của các công ty. Các ứng viên cần hiểu rằng buổi phỏng vấn là nơi để nhà tuyển dụng và ứng viên tìm hiểu lẫn nhau, giống như một buổi hẹn hò đầu tiên vậy, vì vậy hãy chân thành, thẳng thắn, đưa ra thông tin chính xác để đôi bên có thể tìm được đối tượng phù hợp, gắn bó với nhau lâu dài.

Trên đây là những “điều kiện cần” khi giải bài toán giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Tuy nhiên, ứng viên còn cần những “điều kiện đủ” khác để “hạ gục” được nhà tuyển dụng.

3. Làm thế nào để bài giới thiệu trở nên ấn tượng?

– Để trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, ngay từ phần giới thiệu bạn đã phải cho nhà tuyển dụng thấy sự khác biệt. Hãy tự hỏi và trả lời câu hỏi: Tại sao nhà tuyển dụng lại chọn tôi chứ không phải những người còn lại? Điểm nhấn cá nhân không chỉ nằm ở kinh nghiệm, năng lực mà còn nằm ở thái độ và tiềm năng. Nếu bạn không thể chứng minh bản thân cho nhà tuyển dụng bằng thành tích, kinh nghiệm, hãy cho họ thấy bạn có thái độ tốt và tiềm năng lớn.

Ví dụ, nếu như đặt lên bàn cân, bạn phải cạnh tranh với một người giàu kinh nghiệm và dày thành tích, bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy bạn có tiềm năng, nếu cho bạn một cơ hội rèn giũa, bạn cũng có thể đem lại lợi ích cho công ty và mức lương dành cho bạn thì sẽ phải chăng hơn so với việc thuê một người dày dạn kinh nghiệm. Hơn nữa, một người nhiều kinh nghiệm có thể dẫn tới bảo thủ trong suy nghĩ trong khi một người non kém kinh nghiệm thì luôn sẵn sàng học hỏi và dễ dàng uốn nắn, phát triển tư duy để phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty hơn.

Hãy trở nên khác biệt so với những ứng viên khác

– Bên cạnh việc chuẩn bị nội dung bài giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, ứng viên cũng cần chuẩn bị những yếu tố bên ngoài khác. Kĩ năng thuyết phục nhà tuyển dụng không dừng lại ở việc bạn nói gì mà còn là việc bạn nói như thế nào. Hãy tạo và giữ vững cho mình phong thái tự tin khi phỏng vấn từ cử chỉ, ánh mắt. Hãy hướng tầm mắt bao quát tới tất cả các nhà tuyển dụng, đừng nhìn chằm chằm vào một người và tuyệt đối không nhìn xuống bàn hay ngước mắt lên trời suốt phần giới thiệu. Hãy mở đầu phần giới thiệu bản thân bằng một nụ cười thân thiện và chân thành. Sự tự tin đến từ những hành động nhỏ nhất, vì vậy, ứng viên cần luyện tập và chuẩn bị về cả cách ứng xử bên cạnh nội dung giới thiệu.

4. Những lưu ý khi giới thiệu bản thân

– Thời lượng giới thiệu bản thân khi phỏng vấn: Tất cả những bí quyết nêu trên khá chi tiết nhưng đó chỉ là phần phân tích cho các bạn hiểu rõ hơn về tính chất của bài giới thiệu. Trên thực tế, tùy vào nhà tuyển dụng họ sẽ giới hạn thời gian giới thiệu khoảng 1-2 phút hoặc không giới hạn. Tuy nhiên, ngay cả khi nhà tuyển dụng để bạn thoải mái về mặt thời gian, hãy cố gắng giới thiệu ngắn gọn, trọng tâm và không nói quá 3 phút.

– Cá biệt hóa chứ không cá nhân hóa: Ứng viên cần tìm cách ghi dấu ấn trong mắt nhà tuyển dụng, việc tham khảo những bài mẫu giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, sao chép ý tưởng, hãy là chính mình. Nhưng không vì thế mà ứng viên cá nhân hóa bài giới thiệu bản thân, tức là đưa những thông tin quá mức riêng tư vào bài giới thiệu. Ví dụ kể lể quá nhiều về hoàn cảnh cá nhân hay sa đà vào giới thiệu một sở thích nào đó.

Share this job
BACK TO BLOG