Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

8 cách tạo ấn tượng ban đầu với ứng viên khi phỏng vấn

17/08/2021

Khi nói đến các cuộc phỏng vấn chuyên nghiệp, có vẻ như tất cả áp lực sẽ dồn lên ứng viên. Suy cho cùng, họ mới là người đang cố gắng để có được công việc. Tuy nhiên, họ không phải là người duy nhất cần biết cách tạo ấn tượng ban đầu, mà bạn với vai trò là nhà tuyển dụng cũng cần tạo thiện cảm để thu hút những ứng viên chất lượng nhất.

Là một nhân viên tiềm năng, ứng viên đều muốn làm việc cho công ty mà họ thích và ấn tượng của họ thường bắt đầu bằng cuộc phỏng vấn trực tiếp. Nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt với các ứng viên hàng đầu, hãy đảm bảo thực hiện các điều sau.

Luôn chuẩn bị trước

Cũng giống như cách mà một ứng viên xin việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi phỏng vấn, bạn cũng cần phải chuẩn bị. Điều đó có nghĩa là xem qua CV của ứng viên trước khi gặp gỡ để biết họ sẽ mang đến điều gì. Nếu bạn chỉ bắt đầu xem CV khi bước vào phòng phỏng vấn, nhiều khả năng ứng viên sẽ tự hỏi liệu có nên tin tưởng bạn hay không.

Ngoài ra, bạn cần dành cho mình thời gian nghỉ ngơi giữa các cuộc phỏng vấn (ít nhất là 10 phút) để giảm bớt áp lực và sẵn sàng cho ứng viên tiếp theo. Bằng cách hiểu rõ những gì đang nói và tập trung vào cuộc trò chuyện, bạn chắc chắn sẽ tạo được thiện cảm với các ứng viên hàng đầu.

Đừng bao giờ để ứng viên phải chờ đợi 

Bất kể ứng viên có trình độ hay kinh nghiệm đến đâu, thì cuộc phỏng vấn có thể là một trải nghiệm khó khăn đối với họ. Là một nhà tuyển dụng, bạn cần khiến họ cảm thấy thoải mái và thư giãn.

Đừng để ứng viên phải chờ đợi. Nếu họ đến đúng giờ thì hãy gặp họ ngay lập tức. Nếu vì lí do nào đó mà bạn bắt buộc phải để ứng viên chờ đợi, hãy mời họ một ly nước và luôn có lời xin lỗi ngay sau khi gặp mặt.

Luôn trung thực

Một điều khác sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với các ứng viên hàng đầu là trung thực về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp. Thông thường, ứng viên đã thực hiện một số nghiên cứu trước khi phỏng vấn và sẽ biết liệu công ty của bạn có hoạt động tốt hay không. Nếu bạn nói dối về điều gì đó mà ứng viên đã nhìn thấy ở nơi khác, họ có thể tự hỏi liệu bạn có đang cố gắng che đậy điều gì đó hay không. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng cơ hội này để thảo luận về các bước bạn đang thực hiện để cải thiện hoạt động kinh doanh và điều mà bạn hy vọng công ty sẽ đạt được trong tương lai. Đây là cách tạo ấn tượng ban đầu với ứng viên hiệu quả nhưng vẫn thể hiện sự trung thực.

Đặt những câu hỏi quan trọng

Khi ứng viên được hỏi những câu hỏi cơ bản thường gặp trong mọi cuộc phỏng vấn, thật khó để họ có cảm giác mình được đánh giá cao như một nhân viên tiềm năng. Hãy đặt những câu hỏi cụ thể về CV và đưa ra các tình huống công việc mà ứng viên có thể kể về những kinh nghiệm trước đây của họ. Những câu hỏi cơ bản về việc ứng viên có thể làm theo hướng dẫn tốt như thế nào không khiến họ tin rằng họ được phỏng vấn vì kỹ năng của họ mà là chỉ lấp đầy một vị trí đang thiếu người đảm trách.  

Đặt những câu hỏi phỏng vấn hay khiến ứng viên có cảm giác được đánh giá cao về năng lực và kỹ năng.

Tắt điện thoại

Nếu điện thoại di động của ứng viên bắt đầu đổ chuông trong khi phỏng vấn, chắc hẳn bạn sẽ rất khó chịu phải không? Điều này cũng sẽ xảy ra tương tự đối với ứng viên. Nếu bạn nhận một cuộc điện thoại trong buổi phỏng vấn, họ sẽ có ấn tượng rằng bạn không ưu tiên cho quá trình tuyển dụng.

Việc nhắn tin hay gửi email trong cuộc gặp gỡ cũng sẽ làm gián đoạn kết nối của bạn với ứng viên, gây khó khăn cho việc nhận được câu trả lời chính xác và ảnh hưởng đến việc tuyển dụng đúng người.

Nói về lý do tại sao bạn thích làm việc ở đó

Hầu hết các ứng viên đều muốn mình sẽ được làm việc tại một công ty tuyệt vời, vì vậy điều quan trọng là phải đề cập đến mọi thứ bạn thích khi làm việc ở đó. Điều này không chỉ bao gồm việc nói về các lợi ích, mà còn là môi trường làm việc thân thiện, các cơ hội phát triển nghề nghiệp, lợi ích về sức khỏe, tính linh hoạt và văn hóa doanh nghiệp tổng thể.

Hãy tử tế và giúp đỡ các ứng viên khi họ mắc lỗi

Các ứng viên luôn lo lắng, thỉnh thoảng mắc lỗi, đi chệch hướng hoặc đầu óc trở nên trống rỗng là điều bình thường. Họ có thể rời cuộc phỏng vấn với suy nghĩ: “Đáng lẽ tôi nên nói như thế này”.

Hãy giúp đỡ họ nếu bạn có thể. Nếu ứng viên đang nói điều gì ngoài lề, hãy nhẹ nhàng ngăn họ lại và lặp lại câu hỏi. Nếu bạn đã đặt câu hỏi và nhận thấy ứng viên chưa hiểu, hãy hỏi lại nhưng theo một cách khác đơn giản hơn. Điều này sẽ giúp họ có ấn tượng tích cực về bạn cũng như văn hóa của doanh nghiệp.

Cảm ơn các ứng viên đã dành thời gian ứng tuyển

Cuối cùng, hãy cảm ơn ứng viên đã gửi hồ sơ và đến phỏng vấn, đồng thời cho biết khi nào họ sẽ nhận được phản hồi và các bước tiếp theo cần thực hiện là gì.

Đảm bảo rằng mỗi thành viên trong ban phỏng vấn đều nói lời tạm biệt và bắt tay ứng viên kèm theo một nụ cười, nếu là phỏng vấn hội đồng. Điều này giúp kết thúc cuộc phỏng vấn một cách tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng và cũng là cách tạo ấn tượng ban đầu với ứng viên đơn giản nhất. Mỗi hành động bạn thực hiện đều là yếu tố nhỏ giúp xây dựng một bức tranh về những gì ứng viên sẽ được đối xử khi làm việc với bạn và đội nhóm của bạn.

Share this job
BACK TO BLOG