Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

5 lợi ích khi nhân viên tham gia vào quá trình tuyển dụng

16/08/2022

Mặc dù việc tuyển dụng một nhân viên mới không phải là trách nhiệm mà người quản lý có thể ủy thác cho cấp dưới nhưng điều này không có nghĩa rằng bạn không thể dựa vào sự sáng suốt và khôn ngoan của họ để đưa ra quyết định chính xác. Dưới đây là 5 lợi ích mà bạn sẽ có được khi để cấp dưới tham gia vào quá trình tuyển dụng, hãy cùng tham khảo nhé!

Nhân viên cảm thấy mình có giá trị hơn

Hầu hết các nhân viên đều đánh giá cao việc được yêu cầu tham gia vào cuộc phỏng vấn và đưa ra phản hồi về từng ứng viên tham dự. Bằng cách để các thành viên trong nhóm nói lên ý kiến của họ trong quá trình tuyển dụng, bạn đã chứng minh một điều quan trọng: bạn xem trọng họ, tôn trọng các phản hồi của họ và muốn quyết định đi đến tuyển dụng là một quá trình hợp tác hiệu quả.

Cung cấp kinh nghiệm phỏng vấn và ra quyết định cho các nhà quản lý tương lai

Một số nhân viên đóng góp ý kiến cho bạn hôm nay có thể là những người giám sát/quản lý trong tương lai. Vì vậy, việc tham gia vào quá trình tuyển dụng hiện tại sẽ mang lại cho họ trải nghiệm thực tế về các kỹ năng phỏng vấn, đánh giá ứng viên và cách thức đưa ra quyết định, điều này sẽ rất hữu dụng khi họ chuyển sang vai trò lãnh đạo sau này.

Nhân viên mới được hỗ trợ nhiệt tình hơn

Khi nói lên ý kiến trong quá trình tuyển dụng có nghĩa rằng nhân viên đang “đặt cược” uy tín của họ trong việc lựa chọn một ứng viên nào đó. Vì vậy, họ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào sự thành công của nhân viên mới và sẽ làm việc tích cực hơn để chứng minh họ đã đưa ra quyết định đúng đắn.

Có cái nhìn rộng hơn về ứng viên

Tuyển dụng một người là công việc đầy mạo hiểm. Cho dù quá trình phỏng vấn có bao quát thế nào thì sự hiểu biết của bạn về ứng viên trước khi tham gia vào tổ chức vẫn có giới hạn nhất định. Nếu có nhiều người tham gia vào quá trình phỏng vấn và đóng góp ý kiến sẽ giúp bạn cái nhìn rộng hơn và hiểu biết sâu hơn về ứng viên. Có thể họ sẽ nhìn thấy những điểm mà ở vị trí của bạn sẽ không nhận ra hoặc xác nhận một lần nữa những điểm tích cực, tiêu cực mà bạn đã quan sát. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế những sai lầm có thể gây ra do việc không nhận thức được những “điểm mù” của bản thân.

Ứng viên hiểu rõ hơn về đồng nghiệp, tổ chức và văn hóa trong tương lai

Quá trình tuyển dụng là một quyết định hai chiều: bạn chọn lựa ứng viên phù hợp và ứng viên cũng đang lựa chọn môi trường để họ có thể phát triển. Việc tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp trong tương lai cho phép ứng viên có thể hiểu rõ hơn về những người mà họ sẽ làm việc cùng và văn hóa của nhóm, tổ chức. Các ứng viên cần đưa ra quyết định sáng suốt khi tham gia vào một doanh nghiệp và phỏng vấn với các đồng đội tương lai là điều quan trọng trong quá trình đó. Ngoài ra, ứng viên càng hiểu rõ về tổ chức, họ càng dễ dàng quyết định có thể tham gia vào tổ chức hay không và điều này giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tuyển nhầm người, tiết kiệm được thời gian và công sức.

Mặc dù bạn hoàn toàn có khả năng ra quyết định về việc tuyển dụng dựa vào khả năng đánh giá tính cách và khả năng của ứng viên, nhưng việc tham khảo ý kiến của các nhân viên cấp dưới sẽ mang lại kết quả tốt hơn là chỉ tin tưởng vào ý kiến của mình, giống như câu nói rằng “Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”.

Share this job
BACK TO BLOG