Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

5 lỗi giao tiếp kém khiến bạn dễ đánh mất ứng viên

24/10/2022

Giao tiếp kém trong tuyển dụng thể hiện qua những hành động nào và làm cách nào để khắc phục?

Bất cứ ứng viên nào cũng cảm thấy lo lắng trong quá trình tìm việc. Áp lực của việc có một bản CV hoàn hảo và đưa ra câu trả lời tốt nhất cho mỗi câu hỏi khi phỏng vấn có thể xuất hiện ở người tìm việc tự tin nhất. Nhưng nhà tuyển dụng cũng có những lo lắng của riêng mình.

Quy trình tuyển dụng không được thực hiện một cách chỉn chu có thể khiến những ứng viên giỏi nhất rời đi. Điều đó không có nghĩa là quy trình tuyển dụng của bạn phải đáp ứng mong muốn của mọi ứng viên, nhưng bạn cần làm cho nó lôi cuốn những ứng viên có nhiều khả năng phù hợp nhất với công ty.

Một yếu tố quan trọng của quy trình tuyển dụng hấp dẫn ở đây chính là giao tiếp. Nếu muốn tuyển dụng đúng người, trước tiên bạn cần tránh 5 lỗi giao tiếp kém sau.

5 lỗi giao tiếp kém phổ biến trong tuyển dụng

Tạo mô tả công việc không hoàn chỉnh

Đối với nhiều người tìm việc, bản mô tả công việc là hình thức giao tiếp đầu tiên mà họ nhận được từ công ty. Nếu giao tiếp kém, cụ thể là tin đăng tuyển dụng mơ hồ, không chính xác hoặc không đầy đủ thì sẽ có rất ít người ứng tuyển.  

Khi viết mô tả công việc, hãy cung cấp câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào mà người tìm việc có thể có. Một danh sách các nhiệm vụ và trách nhiệm chung chung là chưa đủ. Bạn cần tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về vị trí và công ty bằng cách mô tả văn hóa làm việc, nhân viên hiện tại, hướng đi của công ty và kiểu tương lai mà ứng viên có thể có với doanh nghiệp. Càng có nhiều thông tin, ứng viên càng tự tin rằng công việc và công ty phù hợp với họ.

Đặt câu hỏi phỏng vấn không dành riêng cho từng ứng viên

Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong đợi ứng viên nghiên cứu công ty của họ và điều chỉnh thư xin việc, CV và đặt câu hỏi sao cho phù hợp. Nếu ứng viên đến phỏng vấn mà không hiểu rõ về những gì công ty đang làm hoặc cách nó hoạt động, rất có thể họ sẽ không nhận được công việc.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với kỳ vọng của người tìm việc đối với các công ty. Trước khi phỏng vấn ứng viên, bạn cần đọc kỹ CV, liên hệ với người tham khảo và xem hồ sơ mạng xã hội của họ. Hỏi ứng viên những câu hỏi chung về kinh nghiệm trong quá khứ của họ là biểu hiện của giao tiếp kém và là tín hiệu cho thấy bạn đã không dành thời gian để tìm hiểu họ một cách cẩn thận.

Bằng cách tùy chỉnh các câu hỏi phỏng vấn cho từng ứng viên, bạn có thể có được ý tưởng sâu sắc hơn về mỗi ứng viên. Điều này cũng sẽ cho ứng viên thấy rằng họ thực sự được quan tâm.

Phỏng vấn chất vấn

Các cuộc phỏng vấn nên là cuộc trò chuyện hai chiều, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng kết thúc như những cuộc chất vấn một chiều. Người phỏng vấn tấn công tới tấp ứng viên bằng những câu hỏi khó nhằn với thái độ khá căng thẳng. Bất kỳ ứng viên nào cũng muốn làm việc cho những công ty coi trọng tiếng nói của họ, vì vậy cần đảm bảo rằng các cuộc phỏng vấn của bạn luôn thể hiện điều này.

Hãy dành thời gian để ứng viên đặt câu hỏi của riêng họ – về vị trí, công ty, đội nhóm và bất kỳ điều gì khác có thể trong suy nghĩ của họ. Các cuộc phỏng vấn nên tập trung vào lợi ích và mục tiêu chung của ứng viên và công ty – chứ không chỉ là những gì mà công ty cần ở họ.

Thêm vào đó, bạn không thể thực sự hiểu một ai đó thông qua cuộc phỏng vấn một chiều – biểu hiệu của khả năng giao tiếp kém. Các cuộc chất vấn sẽ không cung cấp cho bạn tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định tốt nhất. Kết quả là, bạn có thể sẽ bỏ qua những ứng viên hoàn toàn phù hợp.

Không cập nhật thông tin

Một trong những lỗi giao tiếp tồi tệ nhất mà nhà tuyển dụng có thể mắc phải là không cập nhật thông tin cho ứng viên. Có thể bạn sẽ mất thời gian để đưa ra quyết định chọn ai nhưng nếu bạn không giữ liên lạc với ứng viên trong quá trình này, họ sẽ cho rằng họ đã không được chọn và chuyển sang cơ hội khác. Họ cũng có thể cảm thấy có ấn tượng không tốt về công ty.

Hãy nhớ rằng đối với các ứng viên, quá trình tìm việc cũng là cách để họ hiểu về cách một công ty giao tiếp với nhân viên. Nếu bạn giao tiếp kém thông qua việc hạn chế tương tác hoặc cập nhật thường xuyên về quá trình đang tiến triển ra sao, những nhân tài hàng đầu có thể có ấn tượng rằng nhân viên trong công ty bạn sẽ phải chờ đợi rất lâu để nhận được thông tin cần thiết.

Không phản hồi ứng viên

Nếu ứng viên không được chọn cho vị trí mà họ ứng tuyển, nhiều công ty đã cắt đứt liên lạc vào thời điểm đó. Nhưng chỉ vì ai đó không phù hợp với một cơ hội không có nghĩa họ không phải là sự lựa chọn hoàn hảo cho tương lai.

Bạn cần giao tiếp cởi mở, ngay cả khi cuộc phỏng vấn không dẫn đến lời mời làm việc. Một trong những cách tốt nhất và dễ nhất để làm điều này là cung cấp phản hồi về lý do tại sao ứng viên không được chọn.

Thay vì quên đi những ứng viên không được tuyển cho một vị trí, bạn nên xem họ là nguồn ứng viên tiềm năng để tìm đến khi có nhu cầu tuyển dụng trong tương lai.

Bằng cách tránh những lỗi giao tiếp kém này và thực hiện các kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn trong quá trình tuyển dụng, bạn có thể tạo ấn tượng tốt hơn với những ứng viên hàng đầu. Những kỹ thuật này sẽ không chỉ đảm bảo rằng ứng viên có xu hướng chấp nhận lời mời làm việc hơn mà còn cải thiện danh tiếng của công ty với tư cách là nhà tuyển dụng.

Share this job
BACK TO BLOG