Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

5 điều ứng viên thường nói dối nhà tuyển dụng

29/12/2021

Sự trung thực từ các ứng viên là điều bắt buộc trong các cuộc phỏng vấn việc làm và quá trình tuyển dụng. Nếu không trung thực, có khả năng ứng viên cuối cùng được chọn là người không phù hợp và sẽ sớm rời đi. Điều này khiến lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của họ lẫn nhà tuyển dụng. Theo nhiều nghiên cứu, có 59% ứng viên không nghĩ rằng họ nên nói dối về bất cứ điều gì trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, có 5 điều mà một số ứng viên sẵn sàng che giấu sự thật, hãy cùng tham khảo sau đây nhé!

Thời gian làm việc ở công ty cũ

Các khoảng thời gian trống khi không làm việc trên CV có thể là một điều “đe dọa”. Vì vậy, những ứng viên có nhiều khoảng thời gian trống mà họ không dễ dàng giải thích được sẽ hướng đến 2 phương án: cố gắng nói sự thật theo cách hấp dẫn hơn trong CV và chấp nhận khả năng không được mời làm việc hoặc mạo hiểm, nói dối về thời gian làm việc và hi vọng điều tốt nhất sẽ đến. Như bạn có thể tưởng tượng, nhiều người sẽ chọn cách thứ 2. Cách này cũng được ứng viên sử dụng để “che giấu” tình trạng nhảy việc quá nhiều.

Nếu một ứng viên trông thực sự hấp dẫn, nhưng bạn lo lắng về lịch sử công việc của họ, hãy hỏi các câu hỏi cụ thể để họ tiết lộ càng nhiều thông tin càng tốt. Ngoài ra, khi trao đổi cùng người tham khảo, bạn cũng có thể hỏi về thời gian ứng viên bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc ở công việc cũ.

Mức lương hoặc chức danh

Các ứng viên có thể phóng đại những sự thật quan trọng này để có được công việc tốt hơn hoặc mức lương cao hơn. Đó là lý do tại sao các công ty thường liên hệ với các nhà tuyển dụng trước đó để xác minh các vị trí mà ứng viên nắm giữ. Xác minh lương có thể khó khăn hơn vì nhiều công ty sẽ không tiết lộ thông tin này. Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể yêu cầu ứng viên nộp giấy xác nhận lương ở công ty trước đây để làm bằng chứng nếu có thể.  

Kỹ năng

Có đến 57% ứng viên tự nhận mình thành thạo các kỹ năng quan trọng để tăng cơ hội có được công việc mong muốn. Điều này thật khó chấp nhận phải không? Một cách hiệu quả để biết liệu một ứng viên có nói dối hay không là hỏi thẳng và đọc ngôn ngữ cơ thể của họ khi họ trả lời. Bản năng của bạn là một phần rất quan trọng trong quá trình phỏng vấn và bạn không nên phớt lờ nó. Nếu cảm thấy có điều gì không hợp lý, hãy “đào sâu” hơn.

Ngoài ra, nếu một kỹ năng nhất định thực sự quan trọng đối với vai trò công việc, thì bạn có thể cho ứng viên thực hiện các bài kiểm tra thực tế. Chẳng hạn, một bài kiểm tra về kỹ năng viết cho ứng viên biên tập hoặc bài kiểm tra kỹ thuật đối với lập trình viên. Nếu không, một cuộc “điều tra” nhỏ với người tham khảo về các kỹ năng mà ứng viên đã nêu cũng có thể là giải pháp.

Mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũ

Trong công việc không thể tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn với sếp hoặc đồng nghiệp. Đôi khi chỉ là vấn đề nhỏ có thể giải quyết êm xuôi nhưng cũng có nhiều trường hợp căng thẳng kéo dài dẫn đến xung đột và đó là lí do ứng viên nghỉ việc. Tuy vậy, gần như 100% ứng viên sẽ không đề cập đến điều này bởi họ hiểu rõ rằng, mâu thuẫn hoặc mối quan hệ xấu với sếp và đồng nghiệp cũ là trở ngại lớn và là “điểm đen” đối với nhà tuyển dụng mới. Họ không muốn bị đánh giá như một người khó hòa hợp và khó có thể quản lý.

Bạn có thể dùng thế chủ động của mình trong trường hợp này. Hãy tìm hiểu sâu hơn, hỏi về nguyên nhân chính xác vì sao họ rời khỏi công việc hiện tại. Bất kỳ ứng viên nào nói xấu về sếp và đồng nghiệp cũ cần được xem xét nhiều hơn nữa khi tuyển dụng.

Lý do ứng tuyển

Khi hỏi ứng viên về lí do ứng tuyển, có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời rất phổ biến như “Tôi thích làm việc cho công ty này”. Có lẽ, đối với một doanh nghiệp lớn, “siêu” thành công thì điều này sẽ là thật nhưng thông thường đây chỉ là lời nói dối mà ứng viên nghĩ rằng bạn muốn nghe. Nên làm gì trong tình huống này? Hãy thư giãn. Không phải tất cả ứng viên đều sẽ “cuồng nhiệt” quá mức về công ty, ngành nghề và vai trò công việc. Miễn là họ thể hiện được sự yêu thích, sự tận tâm với vị trí ứng tuyển thì không có lí do gì để loại bỏ họ khỏi “cuộc đua”. Và bạn có thể kiểm tra mức độ quyết tâm đó dựa vào các câu trả lời phỏng vấn, cách họ giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể và thông tin quan trọng khác mà họ cung cấp.

Có thể mỗi ứng viên đều có những điều không muốn tiết lộ nhưng quan trọng là bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa một lời nói dối vô hại và lời nói dối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện công việc của họ. Cách tốt nhất để làm điều này là trước hết, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng và sau đó là đặt nhiều câu hỏi, đó có thể là những câu hỏi “lạ đời” hoặc tưởng chừng sáo rỗng và đơn giản nhất.

Share this job
BACK TO BLOG