Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

5 chiến thuật phỏng vấn sâu giúp hiểu thấu đáo về ứng viên

01/07/2022

Khi nói đến câu hỏi phỏng vấn, hầu hết những câu trả lời đầu tiên không bao giờ tiết lộ toàn bộ những gì bạn thực sự cần biết. Nếu chỉ dựa vào các câu trả lời chung chung đó, bạn có thể tuyển nhầm người. Bạn cần thăm dò chi tiết về kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ của ứng viên thông qua các chiến thuật phỏng vấn sâu. Phản hồi của họ sau đó sẽ giúp bạn có được nhiều thông tin hữu ích và đưa ra quyết định tuyển dụng tốt hơn.

Đề nghị ứng viên cho biết thêm khi họ không chia sẻ đủ thông tin

Nhiều ứng viên sẽ rút ngắn câu trả lời của họ vì không muốn lan man và tiết lộ những điều không nên. Bằng cách yêu cầu họ cho biết thêm về lý do tại sao họ đưa ra quyết định, điều gì xảy ra tiếp theo, những gì họ học được… bạn có thể hiểu sâu hơn về suy nghĩ của họ và cách họ phản ứng trong các tình huống khác nhau. Sau khi đưa ra câu hỏi, hãy kiên nhẫn chờ đợi trong im lặng để khuyến khích ứng viên chia sẻ nhiều hơn.

Bạn có thể sử dụng các câu hỏi như Tại sao bạn đưa ra quyết định đó? Bạn đã xem xét những yếu tố nào? Bạn đã thực hiện những bước nào để đảm bảo kết quả? Bạn đạt được mục tiêu đó như thế nào?… cho đến khi đạt đến mức độ chi tiết mà bạn đang tìm kiếm.

Hỏi câu hỏi Có hoặc Không nếu ứng viên không trả lời đúng điều được hỏi

Hầu hết các lời khuyên phỏng vấn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi mở vì lý do chúng khuyến khích ứng viên chia sẻ suy nghĩ, giá trị và kinh nghiệm của họ một cách cụ thể. Nhưng nếu họ sử dụng hết thời gian cần thiết mà không nói đúng điều được hỏi, bạn có thể diễn đạt lại dưới dạng câu hỏi đóng để gợi ra câu trả lời chính xác.

Giả sử bạn yêu cầu ứng viên nói về kinh nghiệm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Có thể là do lo lắng hoặc cố né tránh câu hỏi, họ sẽ trả lời về cách tạo nội dung trang web và đạt hơn 5.000 lượt xem trong 3 tháng đầu tiên. Khi đó, bạn có thể phỏng vấn sâu bằng cách trả lời “Cảm ơn vì đã cho tôi biết về trải nghiệm đó. Vậy bạn đã từng quản lý các tài khoản xã hội của công ty chưa?”. Khi đã có câu trả lời rõ ràng, bạn có thể đưa ra các câu hỏi mở liên quan tiếp theo để tìm hiểu chi tiết về công việc trước đây của họ.

Điều cần tránh là liên tục đưa ra các câu hỏi Có hoặc Không bởi điều này khiến ứng viên cảm thấy như đang bị thẩm vấn, đặc biệt nếu câu hỏi không liên quan trực tiếp đến các tiêu chí công việc. 

“Những câu hỏi phù hợp sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về các kỹ năng, giá trị và tư duy thực sự của ứng viên nhiều hơn bạn nghĩ.”

Yêu cầu ứng viên giải thích từng bước khi họ chỉ nói khái quát

Phỏng vấn sâu chi tiết về công việc bao gồm vai trò cụ thể của ứng viên ra sao, bước đầu tiên là gì và điều gì khiến họ quyết định thực hiện bước tiếp theo… có thể giúp bạn hiểu được điều gì thực sự đã xảy ra.

Nếu ứng viên đã hoàn thành xuất sắc công việc, họ sẽ vui lòng chia sẻ mọi bước về cách thực hiện, từ quá trình suy nghĩ ban đầu đến lập kế hoạch, các quyết định chính, thách thức và kết quả. Ngược lại, nếu họ gặp khó khăn khi nói rõ các chi tiết hoặc tỏ ra phòng thủ, họ có thể đang phóng đại vai trò của mình.

Đặt câu hỏi giả định khi ứng viên đưa ra câu trả lời đã được tập luyện

Bạn sẽ không biết ứng viên có phải là người làm việc hiệu quả như họ nói hay chỉ là người biết cách trình bày trải nghiệm một cách hấp dẫn trừ khi đặt câu hỏi giả định như “Nếu tôi là khách hàng nói X, bạn sẽ làm gì để giúp tôi trong tình huống này?”.

Câu hỏi giả định về các tình huống mà ứng viên có thể gặp phải trong vai trò ứng tuyển khá khó để họ dự đoán và chuẩn bị. Vì vậy, bạn có nhiều khả năng hiểu được nhận thức, sự thoải mái và khả năng sáng tạo của họ trong các tình huống đó.

Yêu cầu ứng viên giải thích rõ hơn khi họ đưa ra câu trả lời mà bạn muốn nghe

Với hy vọng tạo được ấn tượng tốt, ứng viên sẽ đưa ra câu trả lời dựa trên những gì bạn muốn nghe, bất kể đó có phải là điều họ nghĩ hay không. Chẳng hạn, khi được hỏi về lý do muốn làm việc cho công ty, họ sẽ ngay lập tức nói ra sứ mệnh và giá trị trên trang web của công ty là điều họ đam mê nhất.

Để kiểm tra xem lời nói của họ có xác thực hay không, hãy phỏng vấn sâu hơn bằng cách yêu cầu họ giải thích thêm như Tại sao bạn tin rằng điều đó lại quan trọng? hoặc Bạn làm gì khi có ai đó không đồng ý với bạn? Điều bạn cần tìm là câu trả lời thể hiện quan điểm được suy nghĩ cẩn thận, đặc biệt là được dẫn chứng bằng các trải nghiệm cá nhân. Nếu ứng viên chỉ đưa ra lời khẳng định mơ hồ, đó là dấu hiệu cho thấy họ có thể đang cố gắng để tạo ấn tượng.

Bằng cách áp dụng các chiến thuật phỏng vấn sâu giúp thấu đáo về ứng viên trên đây một cách hiệu quả, bạn sẽ đạt được phần thưởng xứng đáng nhất là tuyển dụng đúng người ngay từ lần đầu tiên.

Share this job
BACK TO BLOG