Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

5 Cách ứng xử hòa hợp khi nhân viên là người nhà

10/10/2022

Khi nhân viên là người nhà, bạn không chỉ có thêm cánh tay phải hỗ trợ công việc mà còn dễ dàng nghe ngóng tình hình nội bộ bên dưới để có hướng quản lý tốt. Tuy nhiên, muốn dung hòa mối quan hệ cấp trên – cấp dưới đối với người nhà nơi công sở thực sự không đơn giản. Theo HRI, bạn nên đối xử bình đẳng với người nhà như những nhân viên khác, đồng thời luôn công tâm trong mọi vấn đề. Nếu cư xử không khéo, bạn không chỉ mất đi đồng nghiệp mà còn mất cả tình thân.

1. Thống nhất nguyên tắc làm việc

Thành ngữ có câu “mất lòng trước, được lòng sau”, vì vậy ngay từ đầu, bạn nên thẳng thắn nói rõ nguyên tắc làm việc với người nhà để tránh các phiền phức về sau giúp bạn thuận tiện hơn trong việc quản lí. Điều quan trọng bạn cần nhấn mạnh với người nhà là phải luôn nỗ lực hết mình vì công việc. Đừng bao giờ cho rằng nhờ quen biết mà “không làm cũng được, làm sai cũng chả sao”. Các nguyên tắc được thống nhất từ đầu sẽ dễ dàng cho bạn trong việc xử lý rắc rối nếu có xảy ra sau này.

2. Khen chê công bằng

Sau khi đã thống nhất các nguyên tắc nơi công sở thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá, nhận xét người thân trong quá trình làm việc. Nếu người nhà làm tốt thì chẳng có lí do gì để bạn không tán dương công khai trước mặt mọi người. Nếu người nhà mắc phải sai lầm, bạn cần thẳng thắn phê bình như bao đồng nghiệp khác. Thậm chí bạn có thể xử phạt theo quy định công ty nếu sai lầm nghiêm trọng. “Có sai có phạt, có công có thưởng”, bạn không nên vì tình cảm mà cả nể hay thiên vị người nhà. Tách bạch rõ công việc và tình thân sẽ giúp bạn quản lý nhân viên hiệu quả hơn so với việc nhập nhằng giữa các mối quan hệ.

3. Luôn giữ tác phong chuyên nghiệp

Trước mặt nhân viên là người nhà, dù thoải mái đến đâu bạn cũng nên giữ tác phong chuyên nghiệp. Mỗi lời bạn nói ra cần suy nghĩ kỹ càng, cẩn trọng vì đó là lời cấp trên nói với cấp dưới chứ chẳng phải như người nhà đang trò chuyện thân mật cùng nhau. Bạn không nên nói năng xởi lởi, trêu đùa quá trớn hay có những cử chỉ, hành động không đúng mực nơi công sở. Phong thái chuyên nghiệp mọi lúc mọi nơi giúp bạn nhanh chóng thu phục lòng người, được người nhà lẫn các nhân viên khác tôn trọng.

4. Nơi nào việc đó

Môi trường công sở là nơi làm việc nên bạn đừng đem chuyện gia đình nói ở công ty. Ngược lại, bạn cũng nên hạn chế đem công việc về nhà bàn bạc, trừ những trường hợp mang tính xây dựng tích cực cần trao đổi. Như vậy vừa giúp bạn hình thành thói quen làm việc “đúng nơi đúng chỗ” vừa tránh mất tình cảm ruột thịt, anh em. “Nơi nào việc đó” sẽ phát huy tác dụng khi có xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn trong công việc hoặc cuộc sống. Mặc dù có thể tồn tại ngoại lệ trong một số trường hợp cấp bách nhưng bạn nên cố gắng hạn chế càng ít càng tốt, bởi vì ai cũng có cuộc sống bên ngoài công việc cần được tôn trọng.

5. Bỏ qua những lời bàn tán

Khi có cấp dưới là người nhà, bạn sẽ không tránh khỏi sự săm soi của các nhân viên khác. Mỗi quyết định của bạn đều có thể bị đưa ra bàn tán. Dù bạn khen thưởng nhân viên hoàn toàn hợp lí thì cũng bị nói là thiên vị người nhà. Khi bạn phê bình vấn đề nào đó có thể coi là đang “diễn kịch”. Bạn làm thế nào cũng không vừa lòng tất cả mọi người. Do đó, bạn và người thân hãy bỏ ngoài tai những lời bàn tán sai sự thật. Người khác chỉ tin những gì họ muốn tin. Việc của bạn là tiếp tục làm một người quản lý tận tâm và công bằng.

Để quản lý và ứng xử sao cho phù hợp khi có nhân viên là người nhà khó hơn rất nhiều so với nhân viên bình thường, vì điều này sẽ thể hiện được bạn có phải là một người sếp thông minh và khôn khéo hay không. Chúc bạn thành công!  

Share this job
BACK TO BLOG