Thương trường là nơi cạnh tranh khốc liệt nhất, là nơi chứng kiến những cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục nhất. Những tập đoàn công nghệ lớn như Nokia, Yahoo đột ngột biến mất, những tân binh sinh sau đẻ muộn như Google, Facebook, Amazon,… nhờ vào tầm nhìn và khả năng đổi mới sáng tạo đột phá lại trở thành những đế chế hùng mạnh.
Sẽ tới một lúc nào đó, doanh nghiệp của bạn buộc phải đối mặt với sự thay đổi toàn diện mới có thể đạt được nấc tăng trưởng tiếp theo. Nếu bỏ qua thời điểm đó, thất bại là không thể tránh khỏi. Có lẽ bạn rất coi trọng sự đổi mới, nhưng dường như bạn không thể tìm ra cách để truyền niềm đam mê đó vào từng thành viên trong công ty mình? Cách làm của nhiều công ty dẫn đầu về đổi mới sáng tạo sau đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng thú vị.
“Thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo là một mục tiêu cao cả và giá trị đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là những doanh nghiệp đã thành công.”
Cách các doanh nghiệp hàng đầu xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo
Tuyển dụng đa dạng tính cách
Hãy thử hình dung bạn có một nhóm 10 người với cùng trình độ học vấn, kinh nghiệm, tính cách cùng lối suy nghĩ. Lại tiếp tục nghĩ về một nhóm 10 người với đa dạng nền tảng, trải nghiệm và lối tư duy khác nhau. Bạn nghĩ nhóm nào có năng lực đổi mới cao hơn?
Khi ưu tiên sự đa dạng trong công ty, bạn sẽ tự động gia tăng tiềm năng đổi mới sáng tạo. Xét cho cùng, công ty của bạn không chỉ cố gắng tiếp cận những khách hàng giống như bạn. Tôi đoán mục tiêu của bạn là tiếp cận mọi thành phần khác nhau trong xã hội, phải không? Vậy thì bạn làm điều đó thế nào nếu tất cả nhân viên bạn tuyển dụng đều có cái nhìn và suy nghĩ giống bạn?
Phần thưởng cho sự đổi mới
Steve Jobs có một câu nói rất nổi tiếng: “Không có ý nghĩa gì khi tuyển dụng những người thông minh và nói cho họ biết phải làm gì; chúng tôi chọn những người thông minh để họ có thể cho chúng tôi biết phải làm gì”.
Cách tốt nhất để khuyến khích những nhân viên thông minh của bạn chia sẻ ý tưởng đổi mới là khen thưởng xứng đáng và kịp thời. Bạn không thể mong đợi đổi mới mà không tốn một xu nào.
Phần thưởng có thể là một chuyến du lịch, có thể là tăng lương, thăng chức hoặc đơn giản là một kỳ nghỉ đúng nghĩa hay bất cứ điều gì khác mà bạn nghĩ sẽ tiếp thêm năng lượng cho nhân viên nhiều nhất. Chẳng hạn như xây dựng một văn phòng sáng tạo, không cần phải quá sang chảnh như Google nhưng cần có một số yếu tố khiến người khác phải ồ lên thích thú.
Đó cũng có thể là áp dụng chính sách 15 % thời gian được phát minh bởi William McKnight tại công ty Khai thác và Sản xuất Minnesota. Chính sách này cho phép nhân viên dành 15% thời gian làm việc được trả lương của họ để mơ mộng, vẽ nguệch ngoạc hoặc thử nghiệm những ý tưởng không nhất thiết phải liên quan đến công việc của họ tại công ty. Cũng như McKnight, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp khác cũng phát hiện ra rằng, việc để tâm trí lang thang này là nguồn gốc của những phát minh để đời và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với công việc của bất kỳ ai.
Việc khen thưởng sẽ xây dựng một môi trường cạnh tranh thân thiện, vui vẻ và cuối cùng dẫn đến sự đổi mới cao hơn.
Đừng chỉ công nhận các ý tưởng hay mà cần nhanh chóng bắt tay vào thực hiện
Không có gì giết chết một ý tưởng hay nhanh hơn việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, sau đó để chúng mốc meo, không ai đả động đến. Tất nhiên, chẳng ai dám đảm bảo rằng một ý tưởng sẽ thành công mỹ mãn, nhưng hành động là vô cùng quan trọng để thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới. Thay vì ngâm dấm ý tưởng, hãy thực hiện các bước tiếp theo bao gồm:
– Lập kế hoạch cho các cuộc thảo luận tiếp theo;
– Chia sẻ ý tưởng với những người mới hoặc các nhóm khác nhau;
– Tiếp cận khách hàng để nhận phản hồi về ý tưởng;
– Cho nhân viên cơ hội thử nghiệm ý tưởng của họ;
– Yêu cầu nhân viên trình bày ý tưởng của họ cho một nhóm lớn hơn…
Nếu một ý tưởng không thể thực hiện được vì bất kỳ lý do gì, hãy giải thích rõ. Đảm bảo rằng nhân viên của bạn hiểu chính xác lý do tại sao ý tưởng bị từ chối và cách cải thiện trong tương lai. Lúc này, đừng bao giờ khiến họ cảm thấy xấu hổ vì đã đề xuất một ý tưởng bị từ chối. Người quản lý tâm lý thậm chí còn sẽ ăn mừng thất bại để nhân viên của họ không sợ mắc sai lầm.
Tận dụng các ý tưởng, giải pháp từ bên ngoài doanh nghiệp
Những người khôn ngoan nói rằng hãy suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp. Vậy thì điều đầu tiên bạn nên làm là đừng tạo ra những chiếc hộp của riêng mình – Antonious Rinaldi.
Đúng vậy. Đừng chỉ tập trung vào việc nuôi dưỡng sự đổi mới trong công ty bởi tư duy hạn hẹp này sẽ vô tình loại bỏ những bộ óc vĩ đại đang tồn tại bên ngoài thế giới rộng lớn kia.
Bạn còn nhớ chương trình “My Starbucks Idea” không? Thông qua phần mềm cho phép người dùng bình luận và bình chọn ý tưởng thức ăn, nước uống mà họ thích, Starbucks đã thu thập được hàng ngàn ý tưởng thú vị, tạo sự đa dạng hơn cho sản phẩm trong đó có bánh kem và cà phê latte vị bí ngô nổi đình nổi đám. Bằng cách tiếp thu ý kiến của khách hàng, khiến họ cảm thấy được lắng nghe, Starbucks đã có thể giữ vị trí dẫn đầu thị trường, ngay cả trong một ngành luôn thay đổi nhanh chóng như thực phẩm và đồ uống.
Tương lai của công ty bạn được quyết định ngay hôm nay. Nếu bạn cảm thấy công ty đang bị cho “hít khói” bởi các đối thủ cạnh tranh sáng tạo và tiến bộ không ngừng, đừng lo sợ. Nỗi sợ hãi là kẻ thù số một của sự sáng tạo và như chúng ta đã thấy, khuyến khích sự sáng tạo là chìa khóa để nắm bắt sự đổi mới cho doanh nghiệp.
Có rất nhiều cách để mang lại sự đổi mới. Bạn có thể áp dụng bất cứ ý tưởng nào ở trên, bắt đầu với quy mô nhỏ thôi và từ từ bồi đắp cho đến khi công ty bạn đạt đến đỉnh cao của sự đổi mới sáng tạo. Và trên hết vẫn là kiên nhẫn. Một nền văn hóa đổi mới không thể được xây dựng chỉ trong một sớm một chiều. Nếu bạn không thấy mọi việc có hiệu quả ngay lập tức, hãy đợi thêm một thời gian nữa trước khi quyết định cắt giảm ngân sách cho việc cải tiến và đổi mới.