Hãy nhớ về lần khi bạn còn là ứng viên tìm việc, nộp hồ sơ và không nhận được hồi âm. Mỗi ngày mỗi tuần trôi qua bạn đắm chìm trong thắc mắc: có phải bạn không đủ tiêu chuẩn, có thể thư xin việc của bạn không thu hút hay CV không bắt mắt… Tất cả những câu hỏi chưa được trả lời này khiến bạn cảm thấy bối rối và thậm chí có thể hơi tức giận.
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn là nhà tuyển dụng đã khiến ứng viên phải chờ đợi. Có thể họ sẽ nói với nhiều người khác về trải nghiệm tiêu cực của họ. Và nếu những người này cũng là khách hàng của bạn, bạn có thể gặp bất lợi.
Trong quá trình phỏng vấn và tuyển dụng, điều thực sự quan trọng là phải đối xử với các ứng viên tiềm năng giống như cách bạn đối xử với khách hàng của mình. Điều này có nghĩa là thông báo kết quả đúng hẹn, tôn trọng và giúp ứng viên phát triển thông qua phản hồi ngay cả khi họ không hoàn toàn phù hợp với doanh nghiệp của bạn.
Bạn muốn biết tại sao điều này lại quan trọng? Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn.
Lí do bạn nên đối xử với ứng viên như khách hàng
Cách bạn đối xử với ứng viên sẽ phản ánh thương hiệu của doanh nghiệp
Danh tiếng thương hiệu vô cùng quan trọng. Khi bạn đối xử không tốt với ứng viên trong quá trình tuyển dụng, bạn sẽ đánh mất cơ hội khiến họ trở thành người hâm mộ cũng như là khách hàng của doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay giúp ứng viên dễ dàng chia sẻ ý kiến của họ về công ty. Chỉ một bài đăng trên Facebook về quy trình tuyển dụng kém chuyên nghiệp cũng có thể làm hoen ố danh tiếng của doanh nghiệp.
Do đó, cách tốt nhất là đề ra chiến lược tuyển dụng rõ ràng, hành động một cách tôn trọng, ôn hòa và nhã nhặn. Thực hiện điều này sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc xử lý các sự cố ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Doanh nghiệp sẽ mất đi các ứng viên hoàn hảo
Một ứng viên chất lượng chắc chắn sẽ không lãng phí thời gian để chờ đợi phản hồi về việc bạn có quan tâm đến việc ứng tuyển của họ hay không. Thậm chí họ sẽ chuyển sang công ty khác có thể là đối thủ cạnh tranh của bạn. Nên tránh những tình huống như thế này, đặc biệt là khi bạn đang tuyển dụng trong một lĩnh vực “khát” nhân lực.
Đừng để mất đi một ứng viên tìm việc tuyệt vời chỉ vì chậm phản hồi. Điều đó không bao giờ tốt cho việc kinh doanh.
Ứng viên có thể từ chối lời mời làm việc vì cách họ được đối xử trong quá trình tuyển dụng
Hầu hết các ứng viên đều sẽ cân nhắc xem họ có nên nhận lời mời làm việc hay không dựa trên các ý tưởng ban đầu về doanh nghiệp. Nếu bạn không thể hiện mức độ quan tâm và tôn trọng phù hợp đối với họ trong quá trình tuyển dụng, điều đó rõ ràng sẽ có tác động tiêu cực.
Trên thực tế, đây là lý do hàng đầu khiến ứng viên từ chối nhận việc. Thế nên, cần đảm bảo rằng bạn xử lý quy trình phỏng vấn theo cách chuyên nghiệp và ứng viên có ít lý do để từ chối nếu bạn đưa ra quyết định tuyển dụng.
Ứng viên có thể là khách hàng của bạn
Trải nghiệm ứng tuyển đáng quên có thể khiến ứng viên có ấn tượng xấu về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và điều đó không bao giờ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp.
Tuyển dụng hiệu quả chỉ đơn giản là tuyển dụng với sự tôn trọng. Đối xử với ứng viên như khách hàng và bạn sẽ nhận được sự tử tế, tạo dựng và có được những mối quan hệ mới. Với chiến lược đơn giản là tôn trọng mọi người mà công ty tiếp xúc, bạn sẽ nâng cao danh tiếng của mình trên thị trường đầy cạnh tranh.
Đối xử với ứng viên như khách hàng không chỉ là điều đúng đắn phải làm, đó còn là một việc làm đầy khôn ngoan.
Làm sao để đối xử với ứng viên giống như khách hàng để đảm bảo họ có trải nghiệm tích cực trong suốt quá trình tuyển dụng?
Trả lời nhanh chóng và kết nối với ứng viên
Một trong những yếu tố phổ biến nhất góp phần vào trải nghiệm tiêu cực của ứng viên là thiếu giao tiếp. Nếu bạn luôn phản hồi khách hàng kịp thời và liên lạc một cách nhất quán thì hãy làm điều tương tự với người tìm việc.
Hãy cảm ơn ứng viên vì họ đã tham gia ứng tuyển và thông báo cho họ về thời điểm sẽ nhận được phản hồi. Trả lời nhanh chóng và đảm bảo rằng không có ai phải chờ đợi kết quả sẽ giúp công ty của bạn có cơ hội phỏng vấn những ứng viên chất lượng nhất trước các đối thủ cạnh tranh khác.
Thiết kế quy trình ứng tuyển đơn giản
Cũng giống như công ty của bạn muốn giúp khách hàng mua sắm một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất, việc đơn giản hóa quy trình ứng tuyển sẽ tạo ra ấn tượng tích cực đối với ứng viên.
Điều quan trọng là phải minh bạch về toàn bộ quá trình ứng tuyển từ nộp hồ sơ, phỏng vấn, thông báo kết quả… Giữ mọi thứ đơn giản và đặt ra kỳ vọng giúp loại bỏ các rào cản không cần thiết trong suốt quá trình ứng tuyển.
Cung cấp phản hồi
Phản hồi là một yếu tố quan trọng khác của quá trình giao tiếp với ứng viên. Đối với những ứng viên đã tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, bạn nên bỏ qua các mẫu thư từ chối cứng nhắc và phản hồi một cách trung thực, thân thiện về lý do tại sao họ không được chọn.
Theo nghiên cứu có 94% người tìm việc muốn nhận được phản hồi sau phỏng vấn và ứng viên nhận được các phản hồi mang tính xây dựng có cơ hội tìm thấy việc làm cao hơn gấp 4 lần so với người không nhận được bất cứ hồi âm nào.
Yêu cầu phản hồi
Có một phương pháp mà nhiều công ty sử dụng để cải thiện dịch vụ khách hàng là yêu cầu phản hồi. Tương tự, hãy yêu cầu phản hồi từ các ứng viên của bạn. Khảo sát tất cả các ứng viên để tìm hiểu xem trải nghiệm ứng tuyển của họ đã diễn ra như thế nào có thể giúp bạn liên tục cải thiện quy trình của công ty và mang lại lợi thế cạnh tranh để thu hút những nhân tài tốt nhất.
Như có thể thấy, đối xử với các ứng viên tìm việc của bạn như khách hàng không chỉ là điều đúng đắn phải làm, đó còn là một việc làm đầy khôn ngoan.