Questions? (+84) 247 300 6665 or hr@hri.com.vn

Cách ứng xử thông minh đối với ứng viên thiếu chuyên nghiệp

16/11/2022

Lời khuyên về cách ứng xử thông minh với 5 kiểu ứng viên thiếu chuyên nghiệp.

Tuyển dụng có thể là một trong những công việc mang đến cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Khi tìm thấy một ứng viên tuyệt vời và kết nối họ với vai trò phù hợp, bạn sẽ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi biết rằng mình vừa giúp một người đạt được ước mơ của họ. Tuy nhiên, cũng có những lúc bạn cảm thấy căng thẳng bởi các ứng viên thiếu chuyên nghiệp. Trong số tất cả các ứng viên “ám ảnh” nhà tuyển dụng thì có 5 kiểu người nổi bật sau, hãy cùng tìm hiểu về họ và cách ứng xử phù hợp nhé.

Ứng viên “ảo tưởng”

Những ứng viên này có xu hướng tin tằng các kỹ năng của họ có thể phù hợp với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Một ví dụ đơn giản về điều này là họ tin rằng có thể đảm nhận các vị trí cao hơn nhưng kỹ năng của họ không thể đáp ứng được cấp độ ấy. Mặc dù vậy họ mong muốn bạn sẽ tuyển dụng họ ngay lập tức với mức lương cao không tưởng. Nếu thẳng thừng từ chối sẽ gây phản tác dụng bởi họ sẽ cho rằng bạn có thành kiến với họ. 

Thay vào đó, hãy khiến họ thừa nhận thiếu sót bằng cách yêu cầu họ giải thích vì sao họ phù hợp với vị trí ứng tuyển. Nếu họ không đủ khả năng, chắc chắn họ sẽ không thể đưa ra các bằng chứng thuyết phục và điều đó sẽ giúp họ trở về với thực tại.

Ứng viên không nhiệt tình

Kiểu ứng viên này thấy toàn bộ quá trình tuyển dụng là sự mệt mỏi và họ không mấy mặn mà đến việc ứng tuyển. Họ không quan tâm đến việc có mặt đúng giờ, ăn mặc chỉn chu, hỏi các câu hỏi quan trọng, thậm chí có thể thông báo sẽ không có mặt trong khi chỉ còn vài phút nữa là diễn ra buổi phỏng vấn.

Trong trường hợp này, cách ứng xử thông minh là bạn phải tự nhìn lại mình trước khi phân tích hành vi của họ. Bạn đã làm gì để họ có hành động xa cách với bạn không? Chẳng hạn như không gửi cho họ các thông tin cần thiết trước buổi phỏng vấn? Nếu có thì trách nhiệm của bạn là xin lỗi và cố gắng xây dựng lại mối quan hệ. Nếu không, bạn nên nghiêm túc xem xét rằng có đáng mạo hiểm với một ứng viên thiếu tâm huyết hay không. Nếu thấy các dấu hiệu cảnh báo, hãy nói với ứng viên rằng hành vi của họ đang tạo ra ấn tượng xấu. Nếu họ không tiếp thu và cải thiện, hãy loại họ ra khỏi quy trình tuyển dụng – họ không nên được chọn với thái độ đó.

Ứng viên thiếu sự chuẩn bị

Khi bạn hỏi ứng viên một câu hỏi, họ ậm ừ, lưỡng lự hoặc ngồi ngây ra. Có lẽ họ chưa bao giờ nghĩ đến việc nghiên cứu công ty mà họ đang phỏng vấn, thậm chí họ còn không chắc chắn về vai trò mà họ đang cố gắng ứng tuyển.

Mặc dù bạn có thể thấy bực bội nhưng hãy kiên nhẫn một chút, đặc biệt là nếu ứng viên còn trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng trong khi bạn hiểu rất rõ quá trình tuyển dụng thì tìm việc là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn và căng thẳng đối với hầu hết các ứng viên.

Nếu bạn nghĩ rằng họ có tiềm năng lớn, hãy dành thời gian để nói chuyện và hướng dẫn họ vượt qua buổi phỏng vấn một cách tốt đẹp. Thông thường các ứng viên đồng ý gặp gỡ các nhà tuyển dụng vì họ muốn có một công việc, vì vậy họ sẽ muốn học hỏi để trở nên tốt hơn. Đôi khi chỉ với một số hỗ trợ của bạn cộng với sự tích cực của ứng viên có thể biến họ thành những ứng viên thành công. Đó là cách ứng xử thông minh mà bạn cần hướng đến.

Ứng viên mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm

Ứng viên này sẽ liên lạc với bạn với mọi câu hỏi mà họ nghĩ ra và trong vòng 20 phút sau cuộc phỏng vấn, bạn có một vài cuộc gọi nhỡ của họ đang chờ trên điện thoại. Giữ liên lạc với các ứng viên là rất quan trọng và làm cho họ cảm thấy có giá trị là nhiệm vụ của nhà tuyển dụng nhưng liên hệ quá mức sẽ khiến bạn tiêu tốn một lượng lớn thời gian.

Do đó, hãy tạo một mốc thời gian để cập nhật tình hình với ứng viên và đừng cảm thấy phải bắt buộc trả lời ngay tin nhắn của họ nếu họ liên tục liên hệ với bạn. Một khi họ nhận ra rằng bạn không ngay lập tức trả lời mọi câu hỏi vô bổ của họ, có thể họ sẽ dành thời gian để tự tìm ra đáp án.

Ứng viên thô lỗ

Kiểu ứng viên này cư xử một cách thiếu lịch sự với mọi người mà họ gặp. Họ sử dụng giọng điệu cộc lốc bất cứ khi nào bạn gọi đến, thậm chí không bận tâm trả lời cuộc gọi.

Đối với kiểu ứng viên này thì đâu là cách ứng xử thông minh? Hầu hết mọi người đều không đánh giá cao sự thô lỗ, nhưng nếu họ là một ứng viên sáng giá thì bạn nên dành thời gian để tìm hiểu lí do tại sao họ lại phản ứng theo cách này. Nếu họ chỉ đơn giản là không chú ý đến hành vi xấu của mình, hãy chỉ ra để họ có thể thay đổi. Nếu bạn quá săn đón họ để họ cảm thấy bạn cần họ hơn họ cần bạn thì hãy đừng tỏ ra quá nao núng. Quan trọng nhất, bạn đã bao giờ thô lỗ với họ? Bạn có hỏi họ những câu hỏi quá riêng tư hoặc thể hiện sự đánh giá thấp công việc của họ, phớt lờ những điều họ muốn trong quy trình tuyển dụng? Mối quan hệ tuyển dụng là con đường hai chiều, do đó hãy luôn dành thời gian để tìm hiểu ứng viên và lắng nghe cẩn thận những gì họ muốn. Tuy nhiên, nếu bạn tin chắc rằng họ là một người khó chịu, bạn cần phải cắt đứt quan hệ. Nếu họ đối xử tệ với bạn, họ sẽ đối xử tệ với đồng nghiệp tương lai và khách hàng của bạn không phải là ngoại lệ.

Share this job
BACK TO BLOG