Phỏng vấn và đưa ra quyết định tuyển dụng có thể là một thách thức, đặc biệt là khi bạn và các đồng nghiệp bất đồng quan điểm.
Nếu có một ứng viên mà bạn tin rằng phù hợp với công ty nhưng thành viên khác trong hội đồng phỏng vấn không đồng ý, có một số điều bạn cần làm để đảm bảo đưa ra quyết định đúng đắn.
Trao đổi trực tiếp
Khi không đồng quan điểm về một ứng viên cụ thể, đừng trao đổi điều đó qua email. Đây là một quyết định quan trọng và bạn sẽ không hiểu được ẩn ý đằng sau cũng như không nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể của nhau nếu những cuộc trò chuyện này diễn ra qua email hoặc điện thoại.
Thay vào đó, hãy gặp mặt trực tiếp để thảo luận. Điều này sẽ giúp tất cả những người có liên quan dễ dàng hiểu được quan điểm của nhau và đi đến thỏa thuận.
Giữ thái độ chuyên nghiệp
Cho dù bạn đồng ý tuyển dụng một ứng viên cụ thể hay không, đừng tạo ra một cuộc tranh cãi về điều đó. Bạn vẫn phải làm việc với đồng nghiệp của mình sau này và không nên làm ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn không làm bất cứ ai khó chịu với bất kỳ điều gì mà bạn nói ra.
Đưa ra bằng chứng
Nếu có một ứng viên cụ thể mà bạn nghĩ là phù hợp nhất hoặc không phù hợp, hãy giải thích lí do. Khi làm điều này, đừng dựa trên cảm xúc cá nhân. Hãy nhìn vào CV hoặc ghi chú của bạn từ cuộc phỏng vấn để đưa ra các bằng chứng cụ thể, sau đó áp dụng vào vị trí đăng tuyển và làm rõ cách chúng sẽ hỗ trợ hoặc cản trở ứng viên hoàn thành công việc.
Lắng nghe với tinh thần cởi mở
Khi đã trình bày quan điểm của mình, bạn cần lắng nghe ý kiến của người khác. Hãy đặt câu hỏi để đảm bảo rằng bạn hiểu ý kiến của họ. Bạn có thể nghe thấy điều gì đó khiến bạn thay đổi ý định hoặc khiến bạn cân nhắc và suy nghĩ lại. Vì vậy, hãy giữ một tâm trí cởi mở trong cuộc trò chuyện này.
Tiếp cận với ứng viên
Nếu có một điểm gây tranh cãi, hãy kết nối với ứng viên. Yêu cầu họ làm rõ vấn đề để mọi người biết được sự thật. Có thể có sự hiểu lầm hoặc có một vài chi tiết còn thiếu. Dù là gì đi nữa, hãy nghe ứng viên giải thích để bạn có tất cả thông tin cần thiết nhằm đưa ra quyết định tốt nhất.
Kiểm tra kỹ năng của ứng viên
Hãy giao cho ứng viên một nhiệm vụ cụ thể. Mặc dù năng lực và kỹ năng đều quan trọng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhưng kỹ năng chắc chắn vẫn được ưu tiên. Giao cho ứng viên một nhiệm vụ cụ thể và khó khăn để kiểm tra kỹ năng của họ.
Có thể các ứng viên ứng tuyển vào vai trò sẽ có kỹ năng đó nhưng bạn phải tìm kiếm các yếu tố khiến việc tuyển dụng người này có lợi hơn những người khác. Bài kiểm tra này sẽ chỉ ra lý do cụ thể bạn muốn hoặc không muốn tuyển dụng họ.
Hãy nhờ một bên thứ ba
Trong khi bạn và đồng nghiệp đang tranh cãi và không thể đưa ra quyết định, để có cái nhìn khách quan về khả năng của ứng viên, hãy nhờ một bên thứ ba tương tác với ứng viên và đưa ra đánh giá. Người bạn chọn có thể là cấp trên hoặc cấp dưới nhưng quan trọng nhất là họ sẽ không thiên vị khi đánh giá ứng viên.
Bỏ phiếu
Đây có lẽ là điều cuối cùng bạn cần làm nhưng cũng có thể là lựa chọn duy nhất của bạn. Khi bỏ phiếu, bạn cho tất cả mọi người được trình bày ý kiến. Điều này đồng nghĩa với việc một hoặc nhiều người sẽ không đạt được mong muốn của họ, nhưng đây không phải là tình huống quá xấu.
Miễn là mọi người đều đồng ý bỏ phiếu để đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng, thì không có gì sai khi làm như vậy.
ây giờ bạn đã có chiến lược để xử lý các bất đồng quan điểm trong tuyển dụng và có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy ra theo cách của bạn. Nhưng có một điều tốt hơn, đó là tránh bất đồng ngay từ đầu.
Khi hiểu tại sao những bất đồng tuyển dụng lại xảy ra, bạn có thể tránh được điều này trong tương lai. Đồng thời, bạn có thể khiến cho mọi người vui vẻ và đảm bảo luôn mang đến những nhân viên mới phù hợp nhất.
Bất đồng quan điểm nảy sinh khi tuyển dụng có thể được giải quyết theo cách nhẹ nhàng nhất nếu bạn biết lí do và phòng tránh ngay từ đầu.
Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất dẫn đến bất đồng trong tuyển dụng:
Quy trình phỏng vấn một người
Điều này có thể hiệu quả với các công ty nhỏ, nhưng không phải lúc nào cũng là ý tưởng tốt nhất cho các doanh nghiệp lớn hơn. Khi một người thực hiện cuộc phỏng vấn, có nghĩa là họ nắm trong tay quyền quyết định.
Tuy nhiên, tại một số thời điểm, một bên khác, có thể là người giám sát trực tiếp, sẽ không đồng ý với quyết định tuyển dụng. Và như vậy bất đồng sẽ xảy ra. Để ngăn chặn điều này, nên có nhiều hơn một người tiến hành cuộc phỏng vấn.
Quá nhiều ứng viên
Không có gì sai khi tìm càng nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn càng tốt, nhưng chỉ nên sắp xếp phỏng vấn những người tốt nhất. Việc so sánh 10 ứng viên sẽ làm tăng khả năng xảy ra bất đồng, trong khi thu hẹp số lượng xuống còn 3 sẽ giúp nhóm tuyển dụng dễ dàng đưa ra quyết định cuối cùng.
Thiếu nguyên tắc tuyển dụng
Điều gì quan trọng đối với người này có thể không quan trọng đối với người khác. Ví dụ, khi tuyển dụng nhân viên kinh doanh, một giám đốc điều hành có thể tìm kiếm một điều gì đó khác với người quản lý bán hàng.
Để tránh điều này, hãy đảm bảo bạn có hướng dẫn tuyển dụng cho mọi vị trí. Điều này bắt đầu với việc tạo một bản mô tả công việc hoàn hả
Bên cạnh đó, mọi người nên có cùng quan điểm về ứng viên hoàn hảo trông như thế nào. Nếu một người đang tìm kiếm kinh nghiệm nhưng một người khác lại tập trung vào yếu tố phụ thì có thể dẫn đến bất đồng.
Mâu thuẫn trong tuyển dụng là điều không ai mong muốn nhưng nếu được giải quyết theo cách thích hợp, đây là điều cần thiết cho công ty bởi nó cho thấy có nhiều người quan tâm đến việc tuyển đúng người.
Trong tương lai, hãy đảm bảo rằng trước khi bắt đầu quá trình tuyển dụng, cả nhóm đều thống nhất về những điều đang tìm kiếm ở một vị trí tuyển dụng mới. Ngoài ra, hãy biết rằng ý kiến của mọi người đều có giá trị và tất cả đều nhằm đưa ra quyết định tốt nhất cho công ty. Bằng cách đó, nếu bất đồng quan điểm nảy sinh khi tuyển dụng, nó có thể được giải quyết theo cách nhẹ nhàng nhất.