Trái ngược với kiểu ứng viên “khát việc”, nhiều người chẳng coi trọng công việc ứng tuyển và xem đó là cơ hội “cưỡi ngựa xem hoa”. Tình trạng này không hiếm, gây lãng phí thời gian của nhà tuyển dụng cũng như doanh nghiệp. Để tránh phí phạm thời gian và công sức, bạn cần nhận ra những dấu hiệu tiềm ẩn nhằm loại sớm các ứng viên thiếu nghiêm túc, điển hình là 5 điều sau.
Không có sự đầu tư vào CV
Dấu hiệu lớn nhất về ứng viên không quan tâm nhiều đến công việc chính là một bản CV sơ sài. CV được xem như là bước sàng lọc đầu tiên, nên nếu CV không có sự đầu tư, tùy chỉnh cho phù hợp với công việc ứng tuyển, được gửi một cách vội vàng thì đó chắc chắn là dấu hiệu cho thấy ứng viên không quan tâm đến vị trí. Vì thế, tập trung vào các ứng viên này chỉ khiến bạn lãng phí thời gian mà thôi.
Họ không biết nhiều về công ty
Tìm hiểu bất cứ điều gì liên quan đến công ty là điều cơ bản đầu tiên mà các ứng viên cần làm trước khi gửi hồ sơ và tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, nếu họ chỉ biết về vị trí phỏng vấn, mức lương, phúc lợi mà không hiểu rõ về văn hóa làm việc, sứ mệnh doanh nghiệp; hoặc nếu có tìm hiểu thì chỉ một cách cẩu thả, qua loa thì đây là dấu hiệu bạn nên cân nhắc. Nếu ứng viên chẳng nghiêm túc tìm hiểu về “bến đỗ tương lai”, thì không lấy gì làm chắc chắn rằng họ sẽ gắn bó dài lâu. Thậm chí, họ cũng dễ dàng xin nghỉ việc trong thời gian ngắn vì bất đồng với quan điểm chung của tập thể.
Thái độ và cách giao tiếp không phù hợp
Thực tế, các ứng viên quan tâm đến vị trí ứng tuyển thường sẽ giao tiếp một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Họ sẽ trả lời email của bạn trong vòng 24 đến 48 giờ. Hãy cảnh giác nếu ai đó chậm hơn nhiều so với những người khác. Nếu bạn nhận được email cảm ơn sau buổi phỏng vấn chỉ vỏn vẹn vài chữ “Cảm ơn bạn đã phỏng vấn” trong dòng chủ đề và không có bất cứ điều gì khác trong phần nội dung, họ có thể chỉ làm chiếu lệ.
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc bỏ qua các ứng viên có lối hành xử quá thoải mái, sử dụng tiếng lóng hoặc từ rút gọn hay giao tiếp không thân thiện.
Do dự khi thực hiện cam kết
Hầu hết các ứng viên có mối quan tâm đến công việc sẽ rất háo hức để bắt đầu nếu nhận được sự chấp thuận từ nhà tuyển dụng. Họ có câu trả lời gần như ngay lập tức khi được hỏi “Bao giờ bạn có thể bắt đầu công việc?”. Ngay cả những người có thể phải trì hoãn bắt đầu công việc mới cũng sẽ có một câu trả lời và lí do chính đáng cho sự chậm trễ như cần thời gian để hoàn thành một dự án quan trọng còn dang dở. Ngược lại, một người tỏ ra e ngại về việc chấp nhận một cơ hội việc làm tốt sẽ rất có thể không gắn bó với công ty trong thời gian dài. Họ đơn giản có thể quan tâm nhiều hơn đến việc thu thập thông tin hơn là tìm một vị trí mới và có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian, công sức.
Yêu cầu các đặc quyền riêng biệt
Nếu tất cả nhân viên của bạn đều làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều và điều này đã được chuyển tải rõ ràng đến ứng viên, thì đó là vấn đề thực sự nếu họ yêu cầu chỉ làm việc 4 ngày mỗi tuần hoặc nghỉ việc sớm vào mỗi ngày thứ Tư. Việc phục vụ cho một người mới chưa có cống hiến trong khi buộc các nhân viên hiện tại phải thực hiện đúng quy định chắc chắn sẽ tạo ra những rắc rối lớn. Đặc biệt, nhiều ứng viên với năng lực thấp lại đòi hỏi quyền lợi quá đáng, thì tuyệt nhiên cần “thẳng tay” gạch tên.
Thêm một mẹo nhỏ khác để biết liệu rằng ứng viên có thực sự quan tâm đến vị trí tuyển dụng hay không là yêu cầu họ điền vào đơn đăng ký trước buổi phỏng vấn. Nếu họ dành thời gian và công sức để điền vào một mẫu đơn chi tiết (có thể nói rằng họ chỉ sao chép thông tin từ CV) thì có nhiều khả năng họ thực sự quan tâm đến công việc và bạn sẽ không lãng phí thời gian khi tiếp xúc cùng họ.